26/03/2011 - 14:01

Khủng hoảng chính trị - tài chính đeo bám EU

Mục tiêu lớn của cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 24 và 25-3 vừa qua tại Brussels (Bỉ) là tìm kiếm thỏa thuận nâng giá trị của quỹ cứu trợ tài chính để sẵn sàng giúp đỡ các nước khu vực đồng euro đối phó với khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách, trong đó Bồ Đào Nha đã là “con bệnh” đang cần chữa trị khẩn cấp.

Tuy nhiên, một ngày trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU, Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates đã đệ đơn xin từ chức sau khi quốc hội nước này bỏ phiếu chống kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ theo yêu cầu của các nhà tài trợ trong EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là phải cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 7,3% GDP năm 2010 xuống còn 4,6% năm nay. Cuộc họp vì thế đã trở nên vô nghĩa khi EU thậm chí tránh bàn luận chuyện nội bộ hay nhu cầu vay nợ của Lisbon. Cuối cùng, vấn đề cứu trợ cho Bồ Đào Nha hay nâng quỹ cứu trợ tài chính cho khu vực đồng euro được các nhà lãnh đạo EU thống nhất dời lại vào giữa tháng 6 năm nay. Thay vào đó, nhiều nước lớn trong EU như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch đến với hội nghị này cốt là để tranh luận về vấn đề Libye, vốn cũng đang chi phối nhân lực và cả tài lực của EU.

Nhưng sự chậm trễ trong kế hoạch cứu trợ Bồ Đào Nha có nguy cơ tác động dây chuyền đến an ninh tài chính của cả khu vực đồng euro. Lãi suất trái phiếu dài hạn 10 năm của Bồ Đào Nha ngày 24-3 đã tăng lên 7,90%/năm trong bối cảnh Lisbon cần vay lại khoản nợ 4,5 tỉ euro sắp đáo hạn vào tháng 4 và chừng ấy số tiền nữa vào tháng 6 năm nay. Nếu tính cả năm 2011, Bồ Đào Nha dự kiến phát hành 20 tỉ euro trái phiếu. Tình thế này sẽ tác động mạnh đến hệ thống tài chính và ngân hàng của Bồ Đào Nha, đẩy Lisbon tới nguy cơ phải cần tới gói cứu trợ cao hơn mức 60-80 tỉ euro như dự báo của EU và IMF. Nợ công của Bồ Đào Nha khi đó sẽ chạm ngưỡng nguy hiểm, so với 87,9% GDP dự kiến trong năm nay, hay 82,4% GDP năm ngoái.

Bản thân quỹ cứu trợ tài chính trị giá 440 tỉ euro của EU và IMF trên thực tế chỉ có khả năng huy động được khoảng 200 tỉ euro. Trong khi đó, theo Cơ chế Ổn định Âu châu, quỹ này cần tăng lên ít nhất 500 tỉ euro để giải quyết khó khăn tài chính và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng mới trong khu vực. Không có số tiền dự phòng khẩn cấp này, những nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha “chẳng may” bị vỡ nợ thì hậu quả thật khó lường.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết