Hôm qua 21-1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (ảnh) đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư, dưới sự chứng kiến của các nhà ngoại giao đến từ 32 quốc gia và các tổ chức quốc tế, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước tẩy chay buổi lễ này.
Lên nắm quyền Belarus từ năm 1994, ông Lukashenko tiếp tục giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 19-12 năm rồi, với 79,67% số phiếu ủng hộ. Thế nhưng các nhà giám sát đến từ EU và phe đối lập ở Belarus cho rằng kết quả bầu cử này bị “thao túng”. Phe đối lập kéo nhau xuống đường biểu tình tại Thủ đô Minsk và nhiều người trong số họ bị cảnh sát Belarus bắt giữ vì những hành động quá khích.
Ngày 19-1, Nghị viện EU (EP) đã thông qua nghị quyết giục các nước thành viên trong khối áp lệnh trừng phạt chống ông Lukashenko, nhằm gây sức ép buộc ông trả tự do cho những người bị bắt. Các biện pháp trừng phạt gồm cấm thị thực, phong tỏa tài khoản ở nước ngoài, loại Belarus ra khỏi chương trình Đối tác phương Đông, thậm chí tước quyền tổ chức giải vô địch hockey thế giới năm 2014. Nghị quyết của EP cũng kêu gọi Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu... xem xét lại chính sách đối với Belarus, trong đó tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và phong tỏa sự giúp đỡ đối với nước này theo kênh Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như thông qua Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Belarus cho rằng những cáo buộc của Nghị viện EU là vô căn cứ. Tổng thống Lukashenko tuyên bố Belarus sẽ đáp trả bất kỳ hành động trừng phạt nào bằng biện pháp riêng. Ông nói: “Nếu có ai đó muốn đưa ra lệnh trừng phạt kinh tế hoặc các lĩnh vực khác chống lại Belarus, chúng tôi phải phản ứng ngay lập tức và chuẩn bị các biện pháp đối phó, kể cả những cách thức cứng rắn nhất”. Cũng trong ngày 19-1, ông Lukashenko đã yêu cầu chính phủ chuẩn bị các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt này. “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai có thiện chí và theo điều kiện cân bằng. Không ai được phép nói với Belarus bằng sức mạnh hoặc tối hậu thư”, ông Lukashenko khẳng định.
Có thể đó không là lời đe dọa suông của Tổng thống Lukashenko. Trong giai đoạn chờ nhậm chức, ông Lukashenko đã ra lệnh đóng cửa văn phòng của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) tại Minsk. Ông cũng cáo buộc các cơ quan an ninh Đức và Ba Lan âm mưu lật đổ chính quyền Belarus, ám chỉ Berlin và Warszawa xúi giục biểu tình rầm rộ trên đường phố Belarus sau cuộc bầu cử năm ngoái. Hai nước này đã gởi đặc phái viên tới Minsk trước bầu cử với cam kết hỗ trợ ông Lukashenko khoảng 3,5 tỉ USD, nếu ông tổ chức cuộc bầu cử được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, kết quả bầu cử cho thấy đối thủ gần nhất của ông Lukashenko chỉ nhận chưa tới 3% phiếu, dẫn tới việc tẩy chay của EU.
Thực tế, EU từng thất bại khi áp lệnh trừng phạt Belarus. Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2006, Belarus bị EU áp đặt lệnh cấm một số quan chức nước này vào EU, nhưng đã hoãn thực hiện trong năm 2008 với lý do là để “khuyến khích cải cách dân chủ” ở đất nước 10 triệu dân này. Belarus còn có “con bài” khác, đó là nước này nằm ở vị trí trung chuyển quan trọng các sản phẩm dầu khí từ Nga tới EU. Cuộc tranh cãi về giá dầu giữa Belarus với Nga thời gian qua khiến EU phải lo ngại về khả năng xảy ra sự cố khủng hoảng năng lượng tương tự như khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu thông qua Ukraina năm 2009.
N. MINH (Theo RIA Nosvosti, Reuters, THX)