18/04/2017 - 08:29

Không lơ là với bệnh tay chân miệng

Từ đầu tháng 3 -2017 đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) có dấu hiệu tăng nhanh. Bệnh TCM chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, không thể lơ là với căn bệnh này.

Bệnh tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi

Chị Nguyễn Thị Mai, ở quận Ninh Kiều, cho biết: Trong 2 năm, con tôi 2 lần bị TCM; lần do bạn cùng lớp lây qua cháu, lần do chơi với con hàng xóm. Tôi cứ tưởng cháu chỉ bệnh TCM một lần, nên lần thứ 2, cháu than đau miệng, tôi xem thấy trong miệng nổi mụn, nghĩ là đẹn. Đến khi cháu nổi mụn ở tay, tôi nghi ngờ đưa đi khám, bác sĩ cho biết bị TCM.

Rửa tay là biện pháp hiệu quả phòng bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Vắc - xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, cho biết, đến 12-4, toàn thành phố có 166 ca TCM nhập viện (tăng 17 ca so với cùng kỳ). Tháng 1 và 2, bệnh TCM giảm so với cùng kỳ, sang tháng 3, bệnh bắt đầu tăng. Riêng 12 ngày đầu tháng 4, có thêm 37 ca TCM nhập viện. Từ đầu năm 2017 đến 12-4, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị ngoại trú 5.187 trẻ bị TCM (tăng 1.262 ca). Riêng TP Cần Thơ, có 2.217 ca (tăng 557 ca) so với cùng kỳ năm 2016. BV điều trị nội trú 633 ca, tăng 208 ca. Nội trú và ngoại trú đều không có ca tử vong. Về phân độ, trong 129 ca TCM nhập viện 3 tháng đầu năm 2017, độ I chiếm trên 5,4%, độ IIA gần 94%, độ IIB trên 0,7%, không có ca độ III và IV. Số ca nặng giảm so với cùng kỳ năm 2016. Các quận, huyện có số mắc tăng là: Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền và Vĩnh Thạnh. Các ca TCM là trẻ từ 7 tuổi trở xuống. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi, chiếm gần 50% số ca bệnh TCM. TTYTDP đã cử cán bộ giám sát các ổ dịch.

Qua giám sát của TTYTDP TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, có 3 ổ dịch TCM (tăng 2 ổ so với cùng kỳ 2016) và được xử lý 100%. Để chủ động phòng bệnh TCM, hằng ngày, TTYTDP TP Cần Thơ ghi nhận ca bệnh TCM nhập viện tại các BV. Sau đó, TTYTDP TP Cần Thơ điện thoại báo các quận, huyện. Việc xử lý ổ dịch gồm: Tuyên truyền cho gia đình người bệnh và người dân trong bán kính 200m về bệnh TCM; cấp phát cloramin B cho những gia đình có con dưới 5 tuổi và hướng dẫn cách pha cloramin B để lau sàn nhà, rửa đồ chơi…

Năm 2016, ổ dịch TCM tập trung ở trường học nhưng từ đầu năm 2017, các ổ dịch TCM tập trung ở cộng đồng. Những năm qua, TTYTDP thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế, giáo viên về bệnh TCM, giám sát, xử lý ổ dịch. Theo các cán bộ giám sát của TTYTDP thành phố, các sinh hoạt tập thể, trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh. Ngành y tế thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục để giám sát việc phòng, chống bệnh TCM các trường học. Qua giám sát, các giáo viên mầm non, tiểu học nắm được các dấu hiệu của bệnh TCM, cách pha cloramin B.

Luôn giữ bàn tay sạch

Từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 7 đến tháng 9, là thời gian bệnh TCM thường xảy ra nhiều. TCM là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra nên không tạo miễn dịch, trẻ có thể bị nhiều lần. Triệu chứng điển hình của bệnh là loét miệng (niêm mạc miệng, lợi, lưỡi); phát ban dạng phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông kèm theo triệu chứng nôn, sốt… Có thể trẻ có triệu chứng lơ mơ, li bì nếu bệnh ở thể nặng. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước, phân trẻ nhiễm bệnh và thường lây qua: nước uống, ăn thức ăn bị nhiễm vi-rút, bàn tay trẻ hoặc người chăm sóc trẻ bị nhiễm vi-rút; các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như: chén, đĩa, ly… bị nhiễm vi-rút. Các biện pháp phòng bệnh TCM gồm: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi tiêu; ăn chín, uống chín; không cho trẻ mút tay, dùng chung khăn, dụng cụ ăn uống; lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà…

Bệnh TCM có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV 71. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, trẻ bị TCM phần lớn điều trị ngoại trú (ở nhà). Tuy nhiên, khi trẻ có các dấu hiệu sau: lơ mơ, ngủ li bì, sốt cao ≥ 39oC, nôn, thở nhanh, khó thở, run chi, run giật cơ, chới với, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, co giật, da nổi vân tím... cần đưa ngay đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi. Trẻ bị TCM thường chán ăn, gia đình nên cho trẻ ăn các món lỏng, dễ tiêu để bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.l

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết