11/10/2020 - 17:25

Không gian ngày càng chật hẹp 

Theo “Hội chứng Kessler” - một giả thuyết do nhà khoa học Donald Kessler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra hồi năm 1978, không gian trên Trái đất một ngày nào đó sẽ trở nên quá đông đúc và ô nhiễm vì rác thải từ các vệ tinh đang hoạt động cũng như tàn tích từ các cuộc thám hiểm trong quá khứ, đến mức khiến cho các nỗ lực không gian trong tương lai trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không thể thực hiện.

Hình minh họa về sự gia tăng của rác vũ trụ. Ảnh: HighT3CH

Hình minh họa về sự gia tăng của rác vũ trụ. Ảnh: HighT3CH

Mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO của Rocket Lab - Peter Beck cho biết hãng chế tạo tên lửa cỡ nhỏ này đang bắt đầu chịu tác động của việc không gian bên trên Trái đất ngày càng chật hẹp. Theo ông Beck, số lượng vật thể không thể kiểm soát trong không gian hiện nay đang khiến các tên lửa khó tìm kiếm đường đi thông thoáng để đưa vệ tinh mới lên vũ trụ. “Các tên lửa phải cố gắng len lỏi vào giữa các chòm vệ tinh” - CEO của Rocket Lab nói.

Theo một ước tính, hiện có khoảng 2.200 vệ tinh đang ở trên quỹ đạo Trái đất, nhưng các công ty viễn thông vẫn đang phóng thêm hàng chục vệ tinh mới với hy vọng cung cấp khả năng truy cập Internet băng thông rộng tốc độ cao cho toàn cầu. Ðơn cử, OneWeb (Anh) dự định phóng gần 400 vệ tinh mới trong năm nay để cuối cùng hãng có tổng cộng 650 chiếc trong không gian. Còn từ năm 2018, Rocket Lab thực hiện thành công 12 sứ mệnh không gian và đưa tổng cộng 55 vệ tinh lên vũ trụ để phục vụ mục đích nghiên cứu và thương mại. Không để bị loại khỏi cuộc chơi, “gã khổng lồ” về thương mại điện tử Mỹ Amazon đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống Internet trên không gian riêng bằng Dự án Kuiper, với việc phóng hơn 3.000 vệ tinh lên quỹ đạo.

Trong khi đó, kể từ mùa xuân năm ngoái, Công ty SpaceX của tỉ phú người Mỹ Elon Musk đã đưa 240 vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất và có thể thêm 1.000 vệ tinh nữa vào cuối năm nay. Công ty này cũng đang lên kế hoạch phóng từ 12.000 - 40.000 vệ tinh cho dự án riêng Starlink, nhằm phủ sóng Internet tốc độ cao, băng thông rộng trên phạm vi toàn cầu. Con số này cao gấp 5 lần số lượng vệ tinh mà con người phóng lên vũ trụ từ cuối những năm 1950.

Một số nhà khoa học lo ngại rằng số lượng vệ tinh không kiểm soát có thể che khuất các ngôi sao ra khỏi tầm quan sát của kính thiên văn từ Trái đất. Không chỉ vậy, việc có hàng triệu mảnh rác vũ trụ đang trôi nổi trên không gian cũng làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra va chạm. Khi mà bất kỳ mảnh vỡ nào cũng có thể “hạ gục” một vệ tinh, một tên lửa hoặc thậm chí là một trạm không gian có người bên trong.

Nhằm thể hiện trách nhiệm kiểm soát không gian, SpaceX cho biết đã trang bị cho các vệ tinh Starlink khả năng tự động di chuyển ra khỏi sự cản trở của các vật thể khác trên quỹ đạo. Tuy vậy, Moriba Jah - chuyên gia hàng đầu về giao thông không gian tại Ðại học Texas (Mỹ) - cho biết hầu hết quỹ đạo của Trái đất dưới 1.200km đang trở thành một khu vực nguy hiểm.

Trên thực tế, việc dọn sạch rác vũ trụ trên phạm vi rộng lớn là chuyện bất khả thi. Và sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ, để chúng tự rơi ra khỏi quỹ đạo. Ông Jah nhận định, cứ mỗi lần phóng vệ tinh mới thành công thì cơ hội tránh được thảm họa vũ trụ lại trở nên ít đi. Tuy chưa xảy ra vụ va chạm nào trong năm nay, song ông cảnh báo việc này chỉ là vấn đề thời gian.

NGUYỆT CÁT (Theo CNN, Post-Gazette)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
rác vũ trụ