Chỉ còn 4 ngày nữa sẽ diễn ra vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Cuộc bầu cử năm nay được dự báo khó đoán nhất trong lịch sử chính trị nước này. Một "Donald Trump" mới không chừng có thể tái diễn ở xứ hình lục giác.
Tháng 11-2016, giữa lúc thế giới bất ngờ trước tin tỉ phú bất động sản Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thì thủ lĩnh Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) ở Pháp bình luận "Điều bất khả thi bây giờ đã khả thi!" và chiến dịch tranh cử của bà cũng đi theo phong cách "Donald Trump".
Thế nhưng "hiệu ứng Trump" có thể không mang lại thêm sức mạnh như bà từng mong đợi. Một phần là vì ông Trump đang có một loạt động thái đi ngược lại với những điều mà bà Le Pen hy vọng trước đó. Đơn cử như việc ông Trump phát lệnh bắn tên lửa vào căn cứ quân sự của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad (người được bà Le Pen ủng hộ), hay việc ông xa rời Nga trong khi bà Le Pen muốn củng cố quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin. Thái độ đảo ngược của ông Trump đối với NATO - tổ chức mà ông từng gọi là lỗi thời - cũng khiến bà thất vọng.
"Chúng tôi nhận ra rằng những lập trường mới nhất của ông Trump rất trái ngược với những gì mà bà Le Pen mong đợi" - Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Thierry de Montbrial bình luận. Mặt khác, theo giám đốc hãng thăm dò công chúng Kantar tại Pháp, ông Emmamuel Riviere, bộ phận cử tri của bà Le Pen cũng không phản chiếu chính xác đối tượng người ủng hộ ông Trump. Hơn nữa, bà Le Pen không có bộ máy lãnh đạo đảng quyền lực như phe Cộng hòa của ông Trump, đồng thời thiếu sự ủng hộ của thế hệ lớn tuổi như ở Mỹ dành cho ông Trump, mà bà chỉ nhận được sự hậu thuẫn từ lớp trẻ. Ngoài ra, chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đã gặp nhiều thất bại kể từ tháng 11 năm ngoái, khi cử tri Hà Lan không ủng hộ lãnh đạo đảng cực hữu Geert Wilders làm thủ tướng, hay người dân Áo bỏ phiếu chống phe cực hữu giữ ghế tổng thống.
Dù sao, "hiện tượng Trump" cũng đã giúp bà Le Pen trở thành ngôi sao sáng trên chính trường nước Pháp và thu hút thêm cử tri thuộc tầng lớp lao động vốn bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa mà bà mô tả là "man rợ".
Rõ ràng, cục diện chính trường xứ gà trống Gaulois trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 có thể được coi là "bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra". Nhưng ông Riviere nhận định "hiện tượng Trump" không chỉ có khả năng tác động đến bà Le Pen mà cả các ứng viên khác, trong đó có lãnh đạo phe cực tả Jean-Luc Melenchon, người chủ trương chống thương mại tự do.
NGUYỆT CÁT (Theo AP, Reuters)