Trong bối cảnh Taliban không thể vực dậy nền kinh tế, nhiều phụ nữ Afghanistan đã phải rất vất vả kiếm miếng ăn nuôi sống gia đình.
Ðể nuôi 7 đứa con, Zaigul, bà nội trợ 32 tuổi đang sống tại trại tị nạn Nasaji dành cho những người di cư trong nước gần thủ đô Kabul, đã phải vất vả làm người giúp việc trong khi chồng chị là anh Nasir làm việc tại các công trường xây dựng. Thế nhưng, giống như hàng triệu người Afghanistan khác, thu nhập hộ gia đình của vợ chồng chị đã giảm trong những tháng gần đây. Hầu hết các hoạt động kinh tế đều bị ngưng trệ sau sự sụp đổ của chính quyền được phương Tây hậu thuẫn và cuộc rút quân trong hỗn loạn của lực lượng Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái, trong khi nhiều gia đình không còn khả năng thuê người giúp việc.

Chị Zaigul bên 2 đứa con tại trại tị nạn Nasaji. Ảnh: Al Jazeera
“Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là khó khăn về tài chính. Bạn có thể sống mà không có tự do nhưng bạn không thể sống nếu không có gì để ăn. Không ai trong chúng tôi có việc làm. Chúng tôi thiếu thốn những thứ cơ bản nhất như thức ăn, quần áo ấm và lò sưởi cho ngôi nhà” - Zaigul buồn bã nói với tờ Al Jazeera. Zaigul cho hay, để kiếm cái ăn, các con chị phải đi nhặt rác bán. Có lúc, chị còn nghĩ tới việc ra đường xin ăn. Theo Zaigul, trước khi Taliban tiếp quản, dù có nghèo nhưng khoản thu nhập ít ỏi cùng với các khoản đóng góp từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã giúp gia đình chị vượt qua mùa đông.
Theo nhà phân tích độc lập người Afghanistan Ahmed-Waleed Kakar, thách thức đối với phụ nữ quốc gia Trung Nam Á này chính là kinh tế và tài chính vốn được phản ánh trên khắp đất nước. Ðối với họ, khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng bởi những hạn chế đối với quyền tự do, việc làm và thậm chí hoạt động đi lại. Ông Kakar cho biết hầu hết người dân Afghanistan sinh sống ở các vùng nông thôn phụ thuộc vào nông nghiệp hơn là làm những công việc chính thức nên giờ đây họ phải đang phải vật lộn để kiếm miếng ăn từng ngày trong khi tình trạng mất an ninh lương thực tại Afghanistan ngày càng gia tăng.
Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Trong khi các ngân hàng đang dần cạn kiệt tiền mặt, nhân viên nhà nước phải chịu cảnh hàng tháng trời không được trả lương. “Phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công cùng với nam giới thường xuyên không nhận được lương” - ông Kakar cho hay. Masuda Sultan, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Afghanistan, đồng tình. Bà Sultan cho hay các nữ giáo viên Afghanistan đã không được trả lương kể từ tháng 5 hoặc tháng 6 năm ngoái, ngoại trừ một số người được Taliban chi trả. “Dù cộng đồng quốc tế đồng ý trả lương cho họ nhưng đến nay số tiền đó vẫn chưa được giải ngân, khiến họ rơi vào tình trạng rất tồi tệ” - bà Sultan nói thêm.
Không những vậy, việc Mỹ đóng băng hàng tỉ USD tài sản của Afghanistan cùng với việc các tổ chức tài chính quốc tế đình chỉ tài trợ khiến hệ thống kinh tế mong manh bị chiến tranh tàn phá trong nhiều thập niên gần như sụp đổ. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đã giáng một đòn mạnh vào quốc gia phụ thuộc vào viện trợ này, buộc các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại đây phải ngừng hoạt động.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các cơ quan viện trợ khác cố gắng “né” các lệnh trừng phạt để có thể cung cấp các khoản viện trợ cần thiết cho Afghanistan trong bối cảnh các bệnh viện công không còn khả năng cung cấp các nguồn cung ứng y tế thiết yếu hoặc trả lương cho nhân viên. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gần đây cho biết khoảng 24 triệu người ở Afghanistan, tương đương 60% dân số, đang chịu cảnh thiếu ăn. Ước tính, sẽ có khoảng 3,2 triệu trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Hiện WFP đang khẩn trương cung cấp lương thực cho người dân tại đây. Tuy nhiên, để thực hiện nỗ lực này, WFP cần 220 triệu USD/tháng trong năm 2022. Về phần mình, LHQ đã kêu gọi viện trợ 5 tỉ USD cho Afghanistan để “ngăn chặn thảm họa nhân đạo”.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)