27/05/2019 - 14:25

Không có “bột” sao “gột nên hồ”? 

Biên kịch có vai trò như là “người mẹ đầu đời” của một tác phẩm điện ảnh, sân khấu và phải “có bột mới gột nên hồ”, tức phải có kịch bản tốt thì mới có phim hay. Vậy nhưng, điện ảnh Việt đang thiếu trầm trọng đội ngũ biên kịch có khả năng, tâm huyết.

Phim điện ảnh “3D Cung tâm kế” là “đứa con sinh lần 2” của kịch “Xóm trọ 3D” (từng được chuyển thể thành phim điện ảnh) bị phản ứng vì chất lượng quá tệ. Ảnh: zing.vn

Cụm rạp CGV vừa khởi động cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” lần thứ 3 và được giới chuyên môn, người cầm bút trẻ rất hào hứng. Điều này được chứng minh với số lượng hơn 8.000 ý tưởng tham gia trong 2 mùa giải trước. Mùa thứ 3 này, CGV phối hợp cùng các nghệ sĩ tên tuổi, các trung tâm đào tạo điện ảnh… để tìm tài năng biên kịch cho điện ảnh Việt.

“Nhà biên kịch tài năng” năm nay có nhiều đổi mới: Nâng cấp chương trình huấn luyện với phần lý thuyết, thực hành và học nhóm được đào tạo chuyên sâu nhằm mang đến nền tảng kiến thức tốt nhất cho thí sinh. Xuyên suốt cuộc thi, ban tổ chức sẽ ghi hình chương trình thực tế nhằm mang đến bức tranh tổng thể về con đường trở thành nhà biên kịch của các bạn trẻ. Sau vòng chung kết, CGV sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ các thí sinh xuất sắc trong quá trình hoàn thiện kịch bản chi tiết. Đặc biệt, tốp 3 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được tham gia khóa đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc.

CGV mở ra cuộc thi này, ngoài mục đích hỗ trợ những người đam mê hiện thực hóa một kịch bản phim cho riêng mình, còn để giải quyết khó khăn của đơn vị khi thiếu kịch bản phim nghiêm trọng. Bằng chứng là, trong mùa 2 của “Nhà biên kịch tài năng”, 5 kịch bản xuất sắc nhất đã được các nhà sản xuất tên tuổi, thực lực: Thiên Phúc Production, A Type Machine, Yeah1 CMG, Live On quan tâm và ký biên bản thỏa thuận hợp tác ngay sau lễ trao giải. Thậm chí, có kịch bản còn được nhiều nhà sản xuất cạnh tranh vì nhận định đó là những ý tưởng có tính khả thi cao để đưa vào sản xuất.

Từ câu chuyện này cho thấy, một kịch bản phim hay đang là “của hiếm” của điện ảnh Việt. Từ truyền hình đến màn ảnh rộng, đầy ắp những bộ phim mua kịch bản nước ngoài, chuyển thể từ kịch, từ sách… Không nhiều những kịch bản phim thuần Việt, thuần điện ảnh tạo được tiếng vang. Vậy nên hai từ “chuyển thể” giờ rất quen thuộc với khán giả, cho thấy sự bí bách của đội ngũ biên kịch. Một bộ phim tài liệu cũng chuyển thể thành phim, một vở kịch nói cũng thành phim chiếu rạp, có cả phần 1 và phần 2, hay thậm chí một MV ca nhạc tạo tiếng vang cũng đủ sức làm nên một bộ phim dài 90 phút…

Sinh thời, nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng cho rằng, biên kịch thì không nên “biết 1 viết 10” mà phải có sự hiểu biết về điện ảnh và kiến thức xã hội. Điều này xem ra không dễ. Thử xem một loạt bộ phim thuần Việt phát trên Đài PT-TH Vĩnh Long vừa qua, với đủ thể loại từ hương xưa, xã hội hiện đại đến hành động, trinh sát… sẽ rõ. Phần lớn là những kịch bản hời hợt, thiếu chiều sâu. Với phim hương xưa, biên kịch quá “non” khi lời thoại “già nua” một cách gượng gạo, tình tiết mới - cũ lẫn lộn và nhất là quen một cách nhàm chán: người vợ lẻ xuất thân nghèo hèn bị gia đình chồng ức hiếp rồi kết cục có hậu. Phim trinh sát, hành động thì còn dễ đoán hơn. Hành động của nhân vật, tình huống phim không theo đường dây, logic câu chuyện mà theo ý chủ quan của người viết. Vậy nên, khiên cưỡng là điều khó tránh!

Giữa cái khó của phim Việt, những người biên kịch cần tự đánh giá đúng vị thế, vai trò của mình để đầu tư sáng tác phù hợp.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết