25/05/2022 - 22:48

Khơi thông nguồn lực phát triển hạ tầng logistics cho ĐBSCL 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

ÐBSCL là vùng kinh tế rộng lớn với các trung tâm sản xuất, chế biến nông, thủy, hải sản lớn nhất nước vừa phục vụ thị trường tiêu dùng lớn với 18 triệu dân vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua việc phát triển hạ tầng logistics còn nhiều điểm nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như việc gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ðón thời cơ mới khi Trung ương đang quan tâm, đầu tư nhiều dự án lớn về hạ tầng giao thông cho ÐBSCL, ban hành chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ về khơi thông luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ, các doanh nghiệp kỳ vọng hạ tầng logistics cho vùng sẽ sớm được khơi thông.

Một góc Cảng Cái Cui trực thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 20.000DWT.

Nhận diện thách thức

Cảng Cần Thơ là một trong những cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Cảng có khả năng xếp dỡ đạt 10.000 tấn hàng hóa/ngày. Hệ thống cầu cảng gồm 4 cầu cảng biển, tổng chiều dài 1.129m có khả năng tiếp nhận tàu 20.000DWT; 1 cầu cảng sông 200m, có khả năng tiếp nhận sà lan 1.000DWT. Theo ông Lâm Tiến Dũng, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Cảng Cần Thơ, trong những năm qua, Cảng Cần Thơ đã vượt qua nhiều khó khăn để nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật. Hiện nay, cảng có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ bốc xếp, lưu kho bãi cho khách hàng. Tuy nhiên, Cảng Cần Thơ nói riêng và hệ thống cảng trên địa bàn còn gặp phải những điểm nghẽn về luồng tàu, cơ sở hạ tầng kết nối giao thông giữa cảng và các trung tâm sản xuất hàng hóa ở Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL còn hạn chế, bên cạnh đó là điểm nghẽn về trung tâm logistics hàng không, điểm nghẽn về nguồn nhân lực…

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP Cần Thơ, vùng ÐBSCL trong giai đoạn bước ngoặt thay đổi những năm 2010 khi các công trình lớn như cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, các tuyến quốc lộ được đầu tư đưa vào khai thác. Tuy nhiên, trong gần 1 thập niên trở lại đây, ÐBSCL chưa có được sự đầu tư tương xứng như mong đợi. Hạ tầng giao thông đường bộ chậm đầu tư đã làm cản trở phát triển kinh tế, khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới của vùng ÐBSCL chỉ ngang với khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. ÐBSCL cũng là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài thấp so với một số vùng trong cả nước. Các công ty nước ngoài khi tìm hiểu cơ hội đầu tư thường quan tâm hệ thống giao thông trong đó có cảng biển, song hệ thống cảng chưa phát huy được tiềm năng và hiệu quả.

Tận dụng thời cơ mới

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ có hệ thống cảng biển được đầu tư hiện đại nhưng do vướng về luồng nên tàu 10.000DWT, 20.000DWT chưa vào được. Tuy nhiên tín hiệu vui là đầu năm 2022, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ CNH, HÐH, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 45/2022/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển TP Cần Thơ trong đó có các giải pháp khai thác được luồng hàng hải Ðịnh An cho tàu lớn vào Cảng Cái Cui. Về phía Sở cũng mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp với bề dày kinh nghiệm thực tiễn có thể đồng hành cùng thành phố trao đổi đưa ra giải pháp khai thác hiệu quả hệ thống cảng nhằm phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, cụ thể là giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ðồng thời, vận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua cho TP Cần Thơ.

Cảng Cần Thơ là một trong những cảng trọng điểm của khu vực ÐBSCL và nằm trong hệ sinh thái của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, chia sẻ: Mong muốn của chúng tôi là làm sao đồng hành cùng các khách hàng, đối tác để hoàn thiện chuỗi dịch vụ, chuỗi cung ứng rất nhiều tiềm năng ở khu vực ÐBSCL. Ðồng thời, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cảng, hạ tầng logistics để đưa Cảng Cần Thơ xứng đáng với vai trò trung tâm ở trong hệ thống cảng ở ÐBSCL cùng với hệ thống các cảng bạn, các đối tác. Qua đó xây dựng chuỗi giá trị đặc biệt hướng về các mặt hàng chủ lực của TP Cần Thơ nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản, các mặt hàng chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu. Gần đây, chúng tôi liên kết với các đối tác để triển khai dự án Trung tâm chiếu xạ đầu tiên ở ÐBSCL đặt tại Cảng Cần Thơ để cung cấp dịch vụ chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cảng Cần Thơ dự kiến hợp tác với các đối tác Hàn Quốc về chuỗi kho lạnh cũng như hợp tác với đơn vị mạnh trong ngành logistics để cố gắng hoàn thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, ĐBSCL hiện có trên 140km đường cao tốc và trong 2-3 năm nữa sẽ hoàn thiện hệ thống cao tốc đến Cần Thơ; trong 5 năm nữa có thể nối cao tốc đến Cà Mau. Khi các trục giao thông ngang và dọc về đường bộ được đầu tư đồng bộ kết hợp cùng với đường thủy sẽ là cơ hội rất lớn cho ĐBSCL, nếu không tận dụng cơ hội sẽ bị tụt hậu. Bên cạnh đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn ở ĐBSCL. TP Cần Thơ đang thảo luận trình Chính phủ về Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với quy mô trên 3.000ha. Nếu Đề án thành lập trung tâm sớm được phê duyệt trong năm 2022 và triển khai theo hoạch định của Chính phủ, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các địa phương và doanh nghiệp trong vùng. Thời gian qua các mặt hàng nông sản chế biến đang gặp khó về vấn đề lưu trữ và kho bãi. Nếu kết hợp đầu tư các trung tâm logistics, hạ tầng giao thông và cảng sẽ giải quyết câu chuyện xuất hàng nông sản, mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở ĐBSCL. 

 

Chia sẻ bài viết