Bức tranh công nghiệp của TP Cần Thơ có nhiều “mảng màu sáng” với sự đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp (KCN), là dấu ấn của doanh nghiệp khi không ngừng đầu tư khoa học công nghệ, chinh phục thị trường nội địa lẫn quốc tế… Tuy nhiên, vẫn còn những “mảng màu” mờ nhạt khi phát triển công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa theo kịp định hướng quy hoạch và kỳ vọng của thành phố. Ðể định hình lại bức tranh công nghiệp trong giai đoạn mới, việc hợp sức khơi thông các nguồn lực còn đang để ngỏ là rất quan trọng.
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Ấn Ðộ Dương.
Phát triển dựa trên lợi thế
Công nghiệp TP Cần Thơ đã hình thành khách quan và phát triển tập trung chủ yếu ở các quận Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Tính toán sơ bộ, giá trị công nghiệp của 3 quận này hiện chiếm từ 65-70% giá trị công nghiệp thành phố. Ðây là vùng có cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội phát triển; là cửa ngõ giao lưu chính của thành phố với các địa phương xung quanh (Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang…) nên có tính kết nối cao, thông qua các quốc lộ 1 và quốc lộ 91. Trên địa bàn còn có sân bay quốc tế Cần Thơ, hệ thống các tuyến đường thủy nội địa và Trung tâm logistics hạng II, diện tích 242,2ha được quy hoạch tại quận Cái Răng sẽ là đầu mối thương mại chung cho vùng ÐBSCL trong tương lai. Từ các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, phân bố dân cư, tiềm lực phát triển, cơ hội đầu tư… có thể đánh giá, đây là khu vực thuận lợi cho phát triển nhiều nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với lợi thế của thành phố như: công nghiệp thực phẩm, đồ uống; thủy sản xuất khẩu; thức ăn chăn nuôi; xay xát gạo; chế biến gỗ, giấy; dệt may; sản xuất hàng tiêu dùng; cơ khí và sản xuất kim loại; hóa dược, hóa chất; công nghiệp in ấn...
Theo Ðề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp TP Cần Thơ theo hướng hiện đại, thành phố đặt mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản đáp ứng yêu cầu quốc tế theo hướng đầu tư công nghệ chế biến sâu, tinh chế nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp của thành phố đã chủ động đổi mới công nghệ, khép kín quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm truy xuất nguồn gốc từ đầu vào đến đầu ra. Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN Thốt Nốt từ năm 2007, đến nay, Công ty TNHH MTV Ấn Ðộ Dương (trực thuộc Công ty CP Nam Việt) đã đạt quy mô sản xuất bình quân 1.000 tấn/ngày) và giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Ông Ðỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt, cho biết: Công ty phát triển chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Cụ thể Công ty đầu tư vùng nguyên liệu với diện tích 1.020ha, nhà máy chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, xưởng chế biến surimi, chả cá viên. Bên cạnh sản phẩm chính là cá tra phi lê xuất khẩu, công ty còn xuất khẩu da cá tra, dầu cá tra, phần đầu và xương cá được đưa vào nhà máy chế biến thức ăn cho cá... Công ty cũng đang nghiên cứu quy trình chế biến dầu cá tinh luyện thay vì chỉ xuất khẩu thô như hiện nay.
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào đầu tháng 8-2020, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng và xuất khẩu thành công 3.000 tấn gạo thơm ST 20 và Jasmine 85 cho các nhà nhập khẩu ở Ðức. Ðầu tháng 4-2021, Công ty đã trúng thầu lô hàng 11.236 tấn gạo lứt hạt dài với giá 584 USD/tấn xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá xuất khẩu rất tốt và cao hơn cả giá gạo trắng hạt dài. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, Công ty còn tập trung chăm sóc khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới. Năm 2020 và đầu năm 2021, Công ty rẽ sang bước ngoặc mới trong việc chinh phục các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao như châu Âu, Hàn Quốc, Australia… Với các đơn hàng này, Công ty đã chủ động nguồn hàng thực hiện cánh đồng lớn liên kết với nông dân ở TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng với diện tích lên đến 5.000ha. Nhờ đó, chất lượng lúa đồng đều, gạo xuất khẩu truy xuất nguồn gốc từ đầu vào đến đầu ra nên Công ty rất tự tin khi xâm nhập các thị trường khó tính.
Các ngành công nghiệp hầu hết có đặc thù đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian hoàn vốn chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp so với nhiều ngành kinh tế khác, do đó, cần có các chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp.
Dành nguồn lực cho đầu tư
Thông thường, vốn đầu tư của doanh nghiệp là vốn tự có, vốn góp, vốn phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán và vốn vay ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, mức đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp có sự gia tăng đáng kể qua các năm. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố luôn bám sát định hướng phát triển của thành phố để tập trung các hoạt động cho vay nhất là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông thủy sản là 2 ngành thế mạnh của thành phố, bởi đây cũng là ngành góp phần giải quyết đầu ra cho ngành Nông nghiệp. Sau thời gian dài bùng phát, dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát, vắc-xin được điều chế thành công hứa hẹn sự phục hồi của nhiều ngành. Chẳng hạn khi ngành Du lịch phát triển trở lại, tiêu dùng gia tăng, các hoạt động giao thương được kết nối, tình hình xuất khẩu khả quan hơn… Các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực sẽ trong tâm thế tăng tốc để bù đắp lại những gì đã mất kể cả doanh nghiệp ngành công nghiệp chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu... Vì thế khả năng doanh nghiệp tăng đầu tư, đón đầu sự phục hồi của thị trường ngay trong giai đoạn nguồn vốn đang rẻ để tăng tỷ suất lợi nhuận là điều hợp lý.
Nguồn dữ liệu: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ.
Công ty CP Cảng Cần Thơ là đơn vị cung cấp dịch vụ cảng tổng hợp, phục vụ cho doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Song việc cung cấp dịch vụ cảng phụ thuộc nhiều vào luồng hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Cảng Cần Thơ, chia sẻ: Cảng chỉ là một khâu nhỏ trong chuỗi logistics và muốn phát triển phải trông chờ vào sự phát triển của các doanh nghiệp bên trong các KCN. Hiện Cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000DWT nhưng luồng tàu chỉ có thể có thể đi được tàu 6.000DWT. Vì thế, 70% hàng hóa qua cảng đang đi bằng sà lan và 30% đi bằng tàu nhưng tải trọng nhỏ làm gia tăng thời gian, chi phí và giảm hiệu quả cạnh tranh. Ðiều này khiến doanh nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận phải chuyển hàng hóa về các cảng ở TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Theo ông Phương, muốn chuyển dịch hàng hóa về Cần Thơ để từ các cảng Cần Thơ đưa hàng đi các nơi buộc phải có chuyến đi và chuyến về và đảm bảo không xung đột nhau. Do đó, vấn đề quy hoạch hợp lý các KCN, thu hút các nhà đầu tư chọn lọc, cân đối cơ cấu hàng hóa nhập khẩu phục vụ đầu tư nhà máy, chế biến hàng hóa xuất khẩu… nếu điều tiết tốt sẽ vực dậy hệ thống cảng của Cần Thơ và thúc đẩy phát triển đồng bộ dịch vụ logistics.
*
* *
Ngày 12-3-2021, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 550/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp TP Cần Thơ theo hướng hiện đại. Ðề án xác định, trong giai đoạn đến năm 2025, TP Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và mang tầm khu vực về công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng ÐBSCL. Giai đoạn đến năm 2030, thành phố phấn đấu có một số nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững trong vùng ÐBSCL. Bên cạnh những nỗ lực tái cơ cấu ngành Công nghiệp từ chính doanh nghiệp, thành phố cũng đang vào cuộc mạnh mẽ hơn để Ðề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại đi vào thực chất, với các cơ chế hỗ trợ thiết thực và đồng bộ hơn trong giai đoạn mới.
Bài cuối Tái cơ cấu mạnh mẽ để đón thời cơ mới
Bài, ảnh: MINH HUYỀN