08/10/2009 - 21:46

Khó xử!

Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp có lẽ đang nở mày nở mặt khi được cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Nga hỏi mua một tàu chở trực thăng lớp Mistral. Đây là lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, Nga chi tiền “tậu” một phương tiện quân sự đồ sộ từ một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giới chức Nga đã đến Pháp đàm phán vấn đề này hồi trung tuần tháng 9 và chuyến thăm Mát-xcơ-va của Ngoại trưởng Bernard Kouchner cùng Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin hồi đầu tháng 10 vẫn không giúp hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ông Morin đã mời người đồng nhiệm Nga Anatoly Serdyukov sang thăm Paris vào tháng 12 năm nay để tiếp tục đàm phán và chờ “đèn xanh” của Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Tàu chở trực thăng lớp Mistral được hải quân Pháp đưa vào sử dụng tháng 2-2006 và hiện chỉ có 3 chiếc trong biên chế. Nó có khả năng chở 16 trực thăng, 4 tàu đổ bộ loại nhỏ, 70 xe quân sự các loại, 450 binh sĩ và được trang bị một bệnh viện 69 giường. Hãng RIA Novosti của Nga cho biết giá của tàu này khoảng 430-580 triệu USD. Nhưng theo tờ Le Monde của Pháp, nó có giá lên đến 995 triệu USD. Tư lệnh hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky, cho rằng nếu có được Mistral (vận tốc 35km/giờ và đi xa 10.800 km) thì Hạm đội Biển Đen của nước này chỉ cần mất 40 phút, thay vì 26 giờ, để triển khai quân đầy đủ đến chiến trường sau khi Gruzia tiến đánh Nam Ossetia hồi tháng 8 năm ngoái.

Hiện nay, Nga chỉ có một tàu sân bay duy nhất là Đô đốc Kuznetsov được hạ thủy từ thời Xô-viết. Nó không thể sánh với các tàu sân bay của Mỹ và lại gặp rất nhiều trục trặc kỹ thuật. Vì thế, Nga muốn sắm một chiếc Mistral và sau đó có thể hợp tác với Pháp đóng thêm 3-4 chiếc nữa. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Vladimir Popovkin, nước này muốn tàu sân bay của Pháp vì cần các công nghệ mới có thể giúp nâng cao trình độ ngành công nghiệp đóng tàu nội địa. Nói cách khác là Nga chấp nhận lép vế, tốn tiền để nhanh chóng tiếp cận công nghệ sản xuất hàng không mẫu hạm tiên tiến của phương Tây.

Ý đồ của Mát-xcơ-va là quá rõ ràng nên các nhà lãnh đạo Pháp có lý do để lo ngại vị khách hàng này. Mặt khác, là thành viên NATO nên Pháp phải chờ xem mức độ phản đối của Mỹ tới đâu. Nhưng Paris cũng không nỡ từ bỏ một hợp đồng béo bở như vậy. Quả là khó xử!

PHÚC NGUYÊN
(Theo Le Monde, Reuters, AP, RIA Novosti, Wikipedia)

PHÚC NGUYÊN (Theo Le Monde, Reuters, AP, RIA Novosti, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết