07/06/2019 - 07:32

Khó xây dựng mô hình liên kết trong chăn nuôi vịt 

Liên kết chuỗi được xem là hướng đi trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Ðồng Tháp, mô hình này có ý nghĩa quan trọng giúp tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện đề án cho thấy mô hình liên kết chuỗi chỉ được thực hiện thuận lợi ở một vài ngành hàng, nhiều ngành hàng khác liên kết chuỗi cũng còn vướng nhiều khó khăn. Ngành chăn nuôi vịt là một trong những điển hình về tính thiếu bền vững trong các chuỗi liên kết.

Để chuỗi liên kết bền vững các bên cần chia sẻ rủi ro và lợi ích nhiều hơn nữa.

► Khó liên kết

Người nuôi vịt Đồng Tháp chưa kịp vui mừng bao lâu với những hiệu quả từ mô hình nuôi vịt rọ và liên kết chuỗi mang lại, thì giá trứng lao dốc mạnh (hiện trứng lớn có giá từ 1.300-1.400 đồng/trứng, trong khi giá thành sản xuất một trứng vịt khoảng 1.600 đồng/trứng), người nuôi hết chi phí đầu tư, nhiều hộ chăn nuôi lại tiếp tục lùa vịt chạy đồng. Mặc dù hiểu rõ cho vịt chạy đồng sẽ có nhiều rủi ro nhưng trong bối cảnh giá trứng vịt đang rớt thảm, không liên kết được với doanh nghiệp thu mua trứng, thì chạy đồng được xem là giải pháp tình thế để người nuôi vịt có thể còn cơ hội để bám trụ lại với nghề này.

5 năm trước, người chăn nuôi vịt ở Đồng Tháp cũng rơi vào tình trạng "đứng ngồi không yên" khi mô hình nuôi vịt chạy đồng bộc lộ nhiều nhược điểm, giá trứng vịt rớt chạm đáy. Trong thời điểm đó, chính mô hình liên kết chuỗi và việc thay đổi tập quán sản xuất đã giúp người nuôi vịt Đồng Tháp cứu được "một bàn thua trông thấy". Từ những hiệu quả ban đầu mô hình chăn nuôi vịt rọ và liên kết chuỗi ở Đồng Tháp gần như được phát triển và nhân rộng ở nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh. Điểm hay của mô hình này chính là tạo được sự gắn kết giữa những người nuôi vịt với nhau thông qua các tổ chức đại diện là tổ hợp tác (THT). Từ nền tảng của các THT các nhân tố khác ở chuỗi liên kết dọc như doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp thu mua sản xuất trứng vịt đầu ra cũng mạnh dạn tham gia liên kết.

Là một THT nuôi vịt rọ đầu tiên được thành lập tại huyện Tháp Mười vào năm 2015, THT Chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười trở thành một điểm sáng trong xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng vịt tại huyện Tháp Mười. Nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất nên mô hình chăn nuôi vịt rọ trong THT từng bước được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Hiện đây cũng là THT chăn nuôi vịt duy nhất của Đồng Tháp đạt tiêu chuẩn VietGAP và được TP Hồ Chí Minh cấp mã truy xuất nguồn gốc. Từ những điểm mạnh này, THT chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa cũng là THT có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trứng vịt duy nhất với Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, TP Hồ Chí Minh.

Song ghi nhận mới nhất cho thấy các thành viên trong THT đang quay về cách làm cũ theo kiểu mạnh ai nấy làm và sản phẩm trứng vịt của THT này cũng không còn được bán cho doanh nghiệp như trước đây. Ông Lê Ngọc Mới, Tổ trưởng THT Chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, chia sẻ: "Sự chênh lệch lớn về mức giá thu mua trứng giữa doanh nghiệp và thương lái ở địa phương tại một thời điểm là nguyên nhân chính khiến cho chuỗi liên kết không thể duy trì. Nông dân không thể ngồi yên khi mỗi đêm bán trứng cho doanh nghiệp lại chịu lỗ vài triệu đồng vì đã ký thỏa thuận "giá chết" trước đó với doanh nghiệp. Trong khi đó, các hộ nuôi ngoài chuỗi liên kết bán trứng vịt cho lái giá cao hơn. Anh em không chịu bán trứng cho doanh nghiệp chỉ còn một mình trang trại của tôi thì coi như "lực bất tòng tâm" vì sản lượng trứng quá ít".

Cùng với khó khăn chung của THT Chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, hiện một số THT nuôi vịt rọ của huyện Tháp Mười cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ ra chi phí tiền tỉ để đầu tư chuồng trại hiện đại theo quy mô công nghiệp, song lo giá trứng giảm sâu, người chăn nuôi không còn chi phí để tái đầu tư nên phần lớn các hộ nuôi vịt rọ trước đây đã cho vịt chạy đồng tạm thời để giảm áp lực chi phí thức ăn.

► San sẻ khó khăn để chuỗi liên kết bền vững

Đánh giá về mức độ hiệu quả của mô hình chuỗi liên kết và nuôi vịt bán công nghiệp (nhốt rọ) ông Phạm Cao Sơn, Tổ trưởng THT Chăn nuôi vịt Quí Đông, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, cho biết: "Tới thời điểm này tôi vẫn khẳng định nuôi vịt nhốt rọ và liên kết nông dân lại với nhau thật sự là  hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Nhờ kết nối lại với nhau nông dân chúng tôi được mua thức ăn với mức giá ưu đãi trực tiếp từ công ty cung cấp thức ăn. Bên cạnh đó, nhờ cho vịt nhốt rọ mà kỹ thuật chăn nuôi của chúng tôi cũng được nâng cao hơn. Nếu như giá trứng vịt được duy trì từ 1.800-2.000 đồng/ trứng thì người chăn nuôi chúng tôi vẫn có thể sống được với mô hình nuôi vịt nhốt rọ".

Dù đánh giá khá cao hiệu quả từ mô hình liên kết chuỗi và nuôi vịt nhốt rọ, song ông Sơn và các thành viên trong THT Chăn nuôi vịt Quí Đông lại không hào hứng khi liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trứng vịt. Giá thu mua trứng của Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, TP Hồ Chí Minh không lên xuống linh động như thị trường, yêu cầu chất lượng trứng khắt khe… là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho THT Chăn nuôi vịt Quí Đông không mặn mà liên kết với doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Văn Ngọt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, cho biết: "Người nông dân vẫn thích buôn bán nông sản theo giá thời điểm của thị trường hơn là ký kết một mức giá cố định với doanh nghiệp. Dù có rủi ro nhưng nếu may mắn thì nông dân sẽ được tăng phần lợi nhuận. Đây là điểm yếu của nông dân khi nói tới chuyện làm ăn chuyên nghiệp với doanh nghiệp lớn. Song, chuỗi liên kết khó thành công cũng không hoàn toàn lỗi tại nông dân, vấn đề còn ở phía doanh nghiệp ít chia sẻ lợi ích cùng nông dân, nên nông dân khó tin tưởng hợp tác với doanh nghiệp lâu dài".

Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp người nuôi vịt luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ giá cả thị trường bấp bênh cho đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Không thể trách người nông dân vì sao mãi coi trọng lợi ích trước mắt, tầm nhìn ngắn hạn, không hướng đến làm ăn quy mô lớn và chuyên nghiệp. Bởi nếu có tiềm lực kinh tế thì ắt hẳn người nuôi vịt ở Đồng Tháp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chăn nuôi theo hướng hiện đại. Với việc sản xuất chuyên nghiệp hơn nông dân sẽ có được sản phẩm đầu ra đủ lớn và ổn định từ đó việc liên kết với doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Để chuỗi liên kết bền vững bản thân nông dân thay đổi vẫn chưa đủ, để mối liên kết này bền vững hơn thì doanh nghiệp cũng cần "mở lòng" san sẻ lợi ích nhiều hơn cho nông dân. Và một cơ chế chính sách giúp kích thích ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn để có thể cạnh tranh là "chìa khóa" để vực dậy tiềm năng chăn nuôi của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Vân Khánh

Chia sẻ bài viết