22/04/2011 - 08:09

Khó vẹn đôi đường

Kêu gọi của Ủy ban châu Âu (EC) hôm 20-4 về việc tăng thêm ngân sách Liên minh châu Âu (EU) năm 2012 đang vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các nước thành viên, vốn cho rằng EU cần “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng ở châu Âu.

Cao ủy về ngân sách châu Âu Janusz Lewandowski cho biết tình hình tài chính khó khăn hiện nay của EC, đồng thời thông báo cắt giảm kinh phí cấp cho một số chương trình của EU, trong đó có chương trình trợ giúp các nước đang phát triển. Lewsandowski cho rằng tăng chi phí ở các nguồn quỹ cam kết, dùng để hỗ trợ những khu vực nghèo hơn trong EU, đòi hỏi cần phải tăng ngân sách, nếu không một số dự án có thể lâm vào tình trạng bị “đóng băng”. Theo ước tính của EC, các quỹ cam kết cần tăng 8,4% lên 45,1 tỉ euro, chiếm hơn 1/3 ngân sách của EU. Lewandowski nói: “Lý do chính để tăng ngân sách EU là vì chúng ta phải chi trả nhiều khoản của nhiều dự án ở khắp châu Âu”.

Theo đề xuất của EC, ngân sách EU sẽ tăng từ 126,5 tỉ euro năm nay lên 132,7 tỉ euro vào năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng như vậy là tới 4,9%, cao hơn mức 2,9% của năm 2011, mà lại diễn ra trong bối cảnh nhiều thành viên EU đang vất vả cắt giảm chi tiêu trong nước.

Do đó, kiến nghị trên lập tức vấp phải sự phản đối. Người phát ngôn Bộ Tài chính Anh cho rằng tăng ngân sách EU là không thể chấp nhận được và Luân Đôn sẽ đi đầu “cuộc mặc cả khó khăn” để đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể cho người đóng thuế Anh. Các quan chức Anh dự định tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác Pháp, Đức và Hà Lan để ngăn cản đề xuất tăng ngân sách của EC.

Còn nhớ, việc tăng 2,9% ngân sách EU năm 2011 chỉ đạt được sự nhất trí sau nhiều tháng thương lượng hồi cuối năm ngoái. Sau đó, Thủ tướng Anh David Cameron và 5 nhà lãnh đạo EU khác, trong đó có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã ký một bức thư tuyên bố việc đóng góp ngân sách EU của 27 nước thành viên sẽ không tăng theo các điều kiện thực tế từ năm 2013.

Một số quan chức khác cũng cho rằng thay vì tăng ngân sách, tốt hơn EU nên tiết kiệm.

Tuy nhiên, EC cũng bị chỉ trích từ một số người khác, vốn cho rằng mức đề nghị tăng ngân sách như vậy là quá nhỏ. Francesca Balzani, người phát ngôn của đảng Dân chủ và Xã hội theo đường lối trung tả ở Ý, cho rằng ngân sách EU cần được dùng để bù đắp các khoản cắt giảm chi tiêu và đầu tư công. Theo bà Balzani, vào thời điểm khó khăn hiện nay, EU cần ngân sách nhiều hơn để khuyến khích và ủng hộ những nỗ lực của các nước thành viên nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư. Bên cạnh các quỹ cam kết, nguồn chi tiêu lớn khác của EU là hỗ trợ cho các ngành nông - ngư nghiệp. Chi cho các chương trình hỗ trợ này dự kiến lên tới 57,9 tỉ euro trong năm 2012, tăng 2,8% so với năm nay.

Chưa biết EC sẽ làm thế nào để có thể “vẹn cả đôi đường” khi hạn chót dự kiến cho EC, Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU đạt được thỏa thuận là vào tháng 12 tới trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc tranh cãi lần này cũng sẽ không kém phần gay gắt.

N. MINH (Theo AFP, NYT, Guardian)

Chia sẻ bài viết