NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)
Vị trí của phụ nữ ở các nước Hồi giáo đã thay đổi khá nhiều trong một vài thập niên gần đây, nhưng so với "cánh mày râu" họ vẫn còn rất thiệt thòi. Do đó, không ít nhà hoạt động nữ quyền vẫn đang nỗ lực "xóa sạch" hay ít ra là rút ngắn sự bất bình đẳng đó bằng nhiều cách khác nhau. Ba gương mặt tiêu biểu sau đây đều là những phụ nữ Hồi giáo dám thách thức quan niệm bảo thủ truyền thống để đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn cho "phái yếu".
 |
Malala Yousafzai được trao Giải thưởng Nhân quyền Sakharov của Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters |
Malala Yousafzai - cô gái quả cảm
Năm 2013 diễn ra nhiều sự kiện vinh danh Malala Yousafzai - cô gái 17 tuổi người Pakistan may mắn thoát chết sau khi bị phiến quân Taliban bắn vào đầu tại thung lũng Swat hồi cuối năm 2012 vì dám đấu tranh cho quyền được đến trường của các bé gái.
Thế giới đã ủng hộ và dõi theo từng bước đi của cô gái nhỏ nhắn này, đặc biệt là từ khi cô đi học trở lại tại trường Edgbaston ở Birmingham (Anh) hồi tháng 3-2013, sau thời gian dài được chăm sóc y tế đặc biệt và bình phục tại xứ sương mù. Từ chỗ là một nhà hoạt động nữ quyền trẻ tuổi ở Pakistan, cái tên Malala đã xuất hiện và được vinh danh trong những giải thưởng danh giá nhất hành tinh.
Cụ thể, Malala đã nhận giải thưởng Hòa bình cho trẻ em quốc tế do Quỹ KidsRights (Hà Lan) trao tặng, giải thưởng Nhân quyền Sakharov danh giá của Liên minh châu Âu (những nhân vật nổi tiếng từng nhận giải thưởng này là cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, lãnh đạo phe đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi), Giải Hòa bình quốc tế Tipperary của Chính phủ Ireland, Giải thưởng Đại sứ Lương tâm năm 2013 của tổ chức Ân xá Quốc tế
và là người trẻ tuổi nhất được đề cử giải Nobel Hòa bình (dù cuối cùng để vuột vào tay Tổ chức cấm vũ khí hóa học). Tạp chí Time của Mỹ còn bầu chọn Malala là một trong 100 cá nhân trẻ tuổi có sức ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chọn ngày 10-11 làm "Ngày của Malala". Những đóng góp không mệt mỏi của cô cũng khiến nhiều nguyên thủ quốc gia cảm phục và Malala đã vinh dự được diện kiến những nhân vật quyền lực nhất hành tinh, như gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Điện Buckingham, gia đình Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ
Trong buổi phỏng vấn đặc biệt với hãng tin Mỹ CNN, Malala bày tỏ mong muốn sau này trở thành Thủ tướng Pakistan để phục vụ cho đất nước. Một trong những mơ ước đã thành hiện thực của cô trong năm 2013 là thành lập Quỹ Malala với mục đích quyên góp tiền giúp đỡ trẻ em gái đến trường. Nhưng điều khiến thế giới cảm phục nhất có lẽ là ở chỗ ý chí đấu tranh của Malala không hề suy giảm ngay cả khi các thủ lĩnh Taliban ở Pakistan nhiều lần dọa sẽ lại sát hại cô nếu như có cơ hội lần nữa. "Taliban có thể bắn vào người tôi, nhưng chúng không thể bắn vào những giấc mơ của tôi" - Malala hùng hồn tuyên bố.
 |
Humaira Bachal (giữa) tham dự Chiến dịch "Chime for Change" vì bình đẳng giới cùng ca sĩ lừng danh Madonna (trái). Ảnh: Nikky Naz |
Humaira Bachal-người nắm bắt những giấc mơ
Cô gái Humaira Bachal 24 tuổi là một trong 2 gương mặt phụ nữ Pakistan ưu tú được chọn giới thiệu tại buổi hội thảo đặc biệt "Những Malala kế tiếp" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Thế giới 2013 tổ chức tại New York (Mỹ). Tuy chung mục tiêu đấu tranh giống như Malala, nhưng Bachal thậm chí bắt đầu mơ ước mang giáo dục đến cho người nghèo còn sớm hơn, từ khi mới chỉ là một học sinh lớp 6.
Đến nay, lớp học xóa mù chữ do Bachal tự gầy dựng tại nhà vào năm 13 tuổi đã phát triển thành một trường học lớn, mang tên "Dream Model Street School". Ngôi trường hiện có 22 giáo viên và thu hút được 1.200 học sinh tham dự với học phí chỉ 1 rupee cho một ngày lên lớp. Ngoài việc học theo chương trình chính quy, Dream Model Street School còn cung cấp các lớp vi tính, giáo dục Hồi giáo và các lớp học ban đêm dành riêng cho những trẻ em phải làm việc kiếm sống vào ban ngày. Hiện tại, cô gái nhỏ nhắn này đang khởi động quỹ "Dream Foundation Trust" - nơi cung cấp các lớp học xóa mù chữ cho cả người lớn. Ít ai biết rằng để có được những thành quả như vậy, Bachal đã phải gõ cửa từng gia đình để thuyết phục các gia đình cho phép cô được dạy học cho con gái họ, hay vận động các bạn ủng hộ sách giáo khoa cũ. Sự thật là khi còn nhỏ, ngay cả việc học của bản thân Bachal cũng phải lén lút vì bị sự phản đối gay gắt từ chính người cha - một tài xế thất học luôn tin rằng con gái không nên phí thời gian ở trường.
Sau "sự kiện Malala", cha của Bachal từng cảnh báo con gái rằng công việc dạy học này sẽ hại chết cô, nhưng Bachal chỉ nhẹ nhàng đáp lời: "Thực hiện công việc này sẽ giúp con sống". "Giáo dục là nhu cầu cơ bản và quyền cơ bản của mỗi con người. Tôi muốn thay đổi cách cộng đồng của tôi nhìn nhận về giáo dục, và tôi sẽ tiếp tục làm điều này cho đến hơi thở cuối cùng" - Bachal chia sẻ. Theo báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, trên thế giới có 57 triệu trẻ em không được tới trường trong năm 2011.
Với những cố gắng không mệt mỏi suốt hơn một thập kỷ để mang "cái chữ" đến cho trẻ em, cô được Quỹ Phụ nữ Thế giới bình chọn là một trong 5 "Phụ nữ dũng cảm nhất Trái đất" năm 2013. Cô còn được trao giải thưởng Phụ nữ có sức ảnh hưởng năm 2013 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Thế giới 2013.
 |
Được "ôm vô-lăng" là mơ ước của Manal Al-Sharif và nhiều phụ nữ Arabie Séoudite khác. Ảnh: Marwan Naamani |
Manal Al-Sharif không lùi bước
Theo luật pháp Arabie Séoudite, phụ nữ trưởng thành buộc phải có một "người giám hộ" (thường là chồng, cha hay anh em trai). Họ phụ thuộc vào người này trong việc nhờ đưa đón khi muốn ra ngoài, đi làm, hoặc là thuê tài xế riêng. Arabie Séoudite là nơi duy nhất trên thế giới không cho phép phụ nữ lái xe và đây là luật bất thành văn do các giáo sĩ Hồi giáo đầy uy quyền đặt ra. Do vậy, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch từng mô tả vị trí pháp lý của phụ nữ Arabie Séoudite trong xã hội cũng giống như trẻ con. Còn báo cáo "Khoảng cách giới tính toàn cầu" thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2013 xếp vương quốc này ở vị trí 127 trên tổng số 135 nước được khảo sát về khía cạnh bình đẳng giới.
Ấy vậy mà Manal Al-Sharif, một chuyên gia máy tính 34 tuổi đã ly hôn và có 2 con nhỏ, dám "cả gan" đấu tranh vì quyền lái xe của phụ nữ. Khởi đầu bằng việc đăng lên trang chia sẻ YouTube đoạn phim quay cảnh tự mình lái xe hơi vào tháng 5-2011, thu hút 600.000 lượt xem chỉ sau 2 ngày nhưng cũng khiến cô nhận được nhiều đe dọa giết hại lẫn cưỡng bức. Tuy bị bắt giam 1 tuần vì hành động đó, nhưng đoạn video và thông điệp nóng bỏng của Al-Sharif đã lan truyền rộng rãi giữa những chị em có học vấn cao và gắn kết họ mật thiết trên khắp đất nước.
Chiến dịch "Women2Drive" mà Al-Sharif phát động trên mạng xã hội ngay sau khi được phóng thích đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dũng cảm xuống đường cầm vô-lăng. Công nhận những nỗ lực của "Women2Drive", tạp chí Chính sách Ngoại giao của Mỹ đã vinh danh Al-Sharif là một trong 100 Nhà tư tưởng toàn cầu năm 2011 và được lọt vào danh sách xếp hạng Những phụ nữ mạnh mẽ của tạp chí Forbes (Mỹ) cùng năm. Năm 2012, Al-Sharif được báo The Daily Beast (Mỹ) vinh danh là một trong những Phụ nữ không sợ hãi và vào tốp 100 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới của tạp chí Time. Al-Sharif cũng là một trong ba người được trao giải thưởng Václav Havel đầu tiên tại Diễn đàn Tự do Oslo.
Sau hơn 2 năm phát động phong trào "Phụ nữ đòi quyền lái xe", vấn đề này ở Arabie Séoudite đang dần đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Gần đây, Quốc vương Abdullah - người từng cam kết phụ nữ sẽ có quyền bỏ phiếu vào năm 2015 - đã bày tỏ hy vọng một ngày nào đó chị em tại xứ sở giàu dầu mỏ này có thể đường đường chính chính ngồi sau vô-lăng.
Bất chấp việc phải đối mặt với những lời đe dọa, Al-Sharif khẳng định vẫn tiếp tục nỗ lực đấu tranh vì như cô nói: "Một xã hội sẽ không được tự do nếu phụ nữ trong xã hội ấy không được tự do".