07/07/2023 - 22:36

Khí hậu Trái đất bước vào trạng thái mới 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, The Conversation)

Khi Trái đất tiến vào trạng thái xa lạ đáng lo ngại trong tuần này, các nhà khoa học cho rằng những kỷ lục về nhiệt độ trung bình trên hành tinh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lượng khí thải của con người đang khiến môi trường nóng lên. Tuy nhiên, “thủ phạm” gây ra loạt kỷ lục trên không chỉ là tình trạng biến đổi khí hậu do nhân loại tạo nên.

Người dân Iran oằn mình dưới nắng nóng trên 35 độ C. Ảnh: EPA

Người dân Iran oằn mình dưới nắng nóng trên 35 độ C. Ảnh: EPA

Một số cái “đầu tiên” gần đây và những hiện tượng báo hiệu biến đổi khí hậu đang bước vào trạng thái khác lạ. Hồi tháng 4, nhiệt độ đại dương trên toàn cầu đã tăng lên tới 21,1 độ C, mà nguyên nhân là do sự kết hợp giữa phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng thời tiết El Nino hình thành sớm. Số liệu mới của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus trực thuộc châu Âu ghi nhận nhiệt độ “ấm khác thường” ở phía Bắc Đại Tây Dương và những làn nước nóng “cực đoan” gần Ireland, Anh và biển Baltic.

Các đám khói từ hàng trăm vụ cháy rừng bùng phát ở Canada cũng đã tràn sang vùng phía Đông của Bắc Mỹ và đẩy chất lượng không khí tại đây lên mức nguy hiểm. Vùng duyên hải phía Tây vốn quen với những đám khói này nhưng giờ đây giới khoa học cảnh báo duyên hải phía Đông cũng có nguy cơ khi biến đổi khí hậu sẽ khiến cháy rừng, khói xuất hiện nhiều và dữ dội hơn.

Là giai đoạn nóng lên của nhiệt độ bề mặt Thái Bình Dương, El Nino đã hình thành sớm hơn so với thường lệ 1-2 tháng, thay thế hiện tượng La Nina vốn có vai trò hạn chế nhiệt độ toàn cầu. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự báo có tới 98% khả năng xảy ra kịch bản: ít nhất 1 trong 5 năm tới sẽ là năm ấm kỷ lục, vượt qua năm 2016 từng chứng kiến hiện tượng El Nino cực mạnh. Kể từ năm 2016, con người đã thải 240 tỉ tấn CO2 vào khí quyển.

Trong khi đó, giới khoa học cũng đang nhận thấy băng biển ở Nam Cực tan chảy xuống mức thấp kỷ lục. Diện tích băng ở Nam Cực vào ngày 27-6 vừa qua đã giảm 2,6 triệu km2 so với mức trung bình của cùng kỳ trong giai đoạn 1981-2010, theo Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ. Diện tích băng biến mất này tương đương khu vực rộng gấp 4 lần bang Texas của Mỹ.

Nguyên nhân các kỷ lục khí hậu xuất hiện dồn dập

Hôm 4-7 được ghi nhận là ngày nóng nhất trong lịch sử, xô đổ kỷ lục ngay trước đó vào ngày 3-7. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt biển ở mức cao kỷ lục, trong khi lượng băng biển Nam Cực thấp chưa từng có. Cũng trong ngày 4-7, WMO tuyên bố hiện tượng El Nino đã bắt đầu, “tạo tiền đề cho sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và các dạng thời tiết, khí hậu đáng lo ngại”. Vậy tại sao các kỷ lục này lại xuất hiện chỉ trong vài tuần?

Trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, El Nino lại “bồi thêm cú đấm”, đẩy nhiệt độ lên các mức cao kỷ lục. El Nino và sự sụt giảm các hạt aerosol được cho là những nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trong khí quyển và đại dương phá vỡ kỷ lục.

Do nước lạnh dày đặc hơn nước ấm, nên lớp nước ấm ngăn nước lạnh len lỏi lên bề mặt. Nước biển ấm trên Thái Bình Dương cũng làm tăng số lượng giông bão để rồi chúng phả thêm hơi nóng vào khí quyển. Điều này có nghĩa sự tích tụ lượng nhiệt từ biến đổi khí hậu ẩn trong đại dương những năm La Nina vừa qua giờ đây trồi lên bề mặt và đạp đổ các kỷ lục.

Chia sẻ bài viết