29/11/2009 - 09:55

Khát vọng hòa nhập

Nằm trên đảo Honshu cách Thủ đô Tokyo (Nhật) khoảng 300 km, thành phố cảng Imizu chỉ có 94.000 dân sinh sống. Điểm đặc biệt của thành phố bé nhỏ này là sự hiện diện rất đông người Pakistan chuyên nghề buôn bán xe hơi với Nga. Imizu nhìn ra biển Nhật Bản nên thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa bằng tàu sang Vladivostok, thành phố cảng lớn nhất của Nga. Lúc đầu, cộng đồng người Pakistan ở Imizu chỉ vận chuyển xe hơi Nhật về Pakistan, sau đổi hướng sang Vladivostock.

Người Hồi giáo Pakistan tại Nhật. Ảnh: Kyodo

Nghề bán xe hơi rất bấp bênh, nhất là khi tình hình tài chính và kinh tế biến động. Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nga năm 1998-1999 khiến giới bán xe tại Imizu chao đảo. Cuối năm 2008, việc Nga quyết định tăng gấp đôi thuế ô tô nhập khẩu cũng làm họ choáng váng. Tuy vậy, giai đoạn 2002-2008, giới bán xe hơi của hơn 400 người Pakistan và một số dân nhập cư từ Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia cũng tạm ổn. Họ góp tiền xây dựng một nhà thờ, có người còn mở nhà hàng...

Ngay từ khi mới đặt chân đến Imizu, họ phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Một số nhà kinh doanh xe hơi bản xứ không chấp nhận người Pakistan đến định cư. Cuối những năm 1990, những kẻ cực đoan hầu như ngày nào cũng tổ chức biểu tình chống đối người nhập cư. Căng thẳng sắc tộc chỉ giảm bớt khi chính quyền sở tại đứng ra dàn xếp.

Ngày nay, cộng đồng người Pakistan nhìn chung được dân Nhật chấp nhận vì những đóng góp kinh tế nhất định, nhưng còn lâu họ mới hòa nhập với xứ sở hoa anh đào. Ông Butt Shahid, cựu chủ tịch Hội người Pakistan tại Nhật, cho biết sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ, cộng đồng người Pakistan ở Nhật bị xem như “những kẻ khủng bố”. Trẻ em bản xứ thậm chí cũng tránh chơi chung với trẻ em gốc Pakistan.

Khó khăn hòa nhập của khoảng 10.000 kiều bào Pakistan tại Nhật là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao chính quyền nước này hạn chế dân nhập cư nước ngoài. Cộng đồng người nhập cư chỉ chiếm 1,74% dân số Nhật, trong đó phần lớn là hậu sinh của người Triều Tiên và Trung Quốc trước khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc năm 1945. Hiện vẫn chưa ai được công nhận mang quốc tịch Nhật.

Giáo sư Akihiko Matsutani thuộc Viện Đại học nghiên cứu chính sách Nhật, thừa nhận nếu để nhập cư ồ ạt sẽ tạo ra “những vấn đề xã hội mà không bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực” tại nước này. Một cuộc thăm dò dư luận do chính phủ Nhật tiến hành năm 2007 cho thấy có tới 55,1% số dân xứ Mặt trời mọc xem người nhập cư như “tội phạm”. Thay vì nới lỏng chính sách nhập cư lao động nước ngoài, Nhật chủ trương phát triển ngành công nghiệp robot như một giải pháp tăng cường nguồn nhân lực đang ngày càng thiếu hụt do dân số lão hóa. Dẫu vậy, Nhật đang bắt đầu tiếp nhận nhân viên y tế người Philippines và Indonesia. Mới đây, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Singapore, Thủ tướng Yukio Hatoyama tuyên bố Nhật có thể tiếp nhận nhiều dân nhập cư hơn, vấn đề mà ông thừa nhận rằng là rất “nhạy cảm”.

PHÚC GIA AN (Theo Le Monde)

PHÚC GIA AN (Theo Le Monde)

Chia sẻ bài viết