02/05/2017 - 17:08

Khám phá bí mật tạo nên hương vị các loại trà

Các nhà thực vật học ở Trung Quốc vừa giải mã thành công bộ gien của cây trà Camellia sinensis, có lá được dùng chế biến tất cả các loại trà bao gồm trà đen, trà xanh và trà Ô Long. Nghiên cứu giúp hiểu rõ các loại hóa chất tạo nên hương vị khác nhau của trà.

 Cây trà Camellia Sinensis có nguồn gốc từ châu Á. Ảnh BBC

Mặc dù cây trà có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và văn hóa nhưng cho đến nay, cấu trúc di truyền của nó vẫn chưa được khám phá. Theo nhà di truyền học Lizhi Gao thuộc Viện Thực vật học Côn Minh, trà có rất nhiều hương vị, nhưng điều gì hay cơ sở di truyền nào quyết định hương vị của nó vẫn còn là bí ẩn.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Molecular Plant, các nhà khoa học đã mất hơn 5 năm để hoàn tất quá trình giải mã bộ gien của cây trà. Giáo sư Gao, người đã thực hiện công trình nghiên cứu cùng với các nhà khoa học Hàn Quốc và Mỹ, cho biết ông từng lập chuỗi gien thành công cho hơn 20 loài thực vật nhưng bộ gien của cây trà là phức tạp nhất. Với chiều dài chứa 3 tỉ cặp cơ sở ADN, bộ gien cây trà lớn gấp 4 lần bộ gien của cây cà phê và lớn hơn nhiều loài thực vật đã được lập bản đồ gien.

Chi trà (tên khoa học: Camellia) có hơn 100 loài, nhưng chỉ có cây Camellia Sinensis được trồng thương mại để làm trà. Các nhà nghiên cứu phát hiện lá của nó chứa hàm lượng cao flavonoid và caffeine, các hóa chất mang lại hương vị đặc trưng cho trà. 6 loại trà chủ yếu sản xuất từ ​​Camellia sinensis gồm trà trắng, trà vàng, trà xanh, trà Ô Long, trà đen và trà lên men. Mỗi loại có màu sắc và hương vị khác nhau, nhờ cấu tạo từ các thành phần hoá học khác nhau. Giải thích điều này, Giáo sư Gao – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết mức độ hoạt động khác nhau trong những gien qui định hàm lượng flavonoid và caffeine ảnh hưởng đến hương vị của trà khi được trồng ở những vùng đất, độ cao và môi trường khác nhau.

Hiểu biết về gien của cây trà được cho có thể đưa đến những giải pháp giúp nâng cao chất lượng, giá trị và lợi ích sức khỏe của trà, đồng thời tạo ra những giống cây trà có khả năng kháng bệnh và chống hạn tốt hơn, bằng cách lai tạo có chọn lọc. Guy Barter, chuyên gia hàng đầu tại Hội làm vườn Hoàng gia (RHS-Anh) nhận xét nghiên cứu này mang đến cho các nhà nhân giống cây trồng một "công cụ mới mạnh mẽ". "Một khi bạn đã hiểu cơ sở làm nên hương vị và chất lượng của trà, bạn có thể nhận diện các dấu hiệu di truyền mà các nhà nhân giống cần tìm khi thử tạo ra những giống mới" – ông giải thích. Tiến sĩ Monique Simmonds – Phó giám đốc Vườn Thực vật Hoàng gia Kew (Anh) – thì cho rằng những phát hiện mới không chỉ giúp tạo ra nhiều giống trà mới mà còn có thể ứng dụng trên những loài thực vật dùng sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm, vốn có các đặc tính sinh học tương tự như các hợp chất tìm thấy trong trà.

Được biết, bộ gien thực vật đầu tiên được giải mã cách đây hơn 15 năm. Kể từ đó, hơn 50 loài thực vật đã được lập bản đồ gien, bao gồm các loại cây lương thực như chuối, khoai tây và cà chua.

T.TRÚC (Theo BBC, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết