27/11/2016 - 16:53

Khai thác "kho báu" năng lượng mặt trời

Do đặc thù địa hình, các tỉnh từ miền Trung đến miền Nam và vùng Tây Bắc gần như quanh năm hứng trọn ánh sáng mặt trời từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn. Đây là nguồn năng lượng vĩnh cửu, vô giá, thân thiện với môi trường, có thể khai thác liên tục để thay thế dần chi phí cho các nguồn năng lượng khác. Tập đoàn Sao Mai đã tiên phong đánh thức được nguồn năng lượng sạch này.

* Nhìn nắng mà… "thèm"

Trong những lần đến làm việc tại tỉnh An Giang, đoàn công tác của Tập đoàn Koyo (Nhật Bản) luôn cảm thấy thích thú với cái nắng chói chang nơi đây. "Nếu ở Nhật Bản mà có được ánh nắng tốt như thế này, có lẽ hầu hết các thiết bị điện đều đã sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT). An Giang cùng nhiều địa phương khác được thiên nhiên ưu đãi nguồn năng lượng tự nhiên quý giá như thế này mà chỉ sử dụng điện lưới quốc gia thì tiếc quá"– ông Keiji Inomata, Tổng Giám đốc Tập đoàn Koyo, chia sẻ!

Những tiếc nuối của ông Inomata Keiji là có cơ sở bởi Koyo Corp được biết đến là một doanh nghiệp Nhật Bản chuyên về cung cấp giải pháp sản xuất điện năng từ NLMT, cung cấp đèn led chiếu sáng tiết kiệm điện và đèn NLMT, xử lý chất thải và thương mại. Theo ông Inomata, ở Nhật Bản, hầu hết hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, kể cả đèn đường, bệnh viện, trường học, công viên, khu vui chơi… đều sử dụng loại bóng đèn có tấm pin tích hợp sử dụng NLMT. "Loại bóng đèn do Tập đoàn Koyo sản xuất dễ dàng mắc lên các trụ đèn công cộng. Với điều kiện nắng như An Giang, chỉ sau 8 giờ hấp thu NLMT, đèn chẳng những có khả năng chiếu sáng liên tục trong 27 giờ mà còn có thể dẫn điện từ tấm pin NLMT (gắn kèm bóng đèn) để sử dụng cho các thiết bị điện tử khác" – ông Inomata nhấn mạnh!

Đại diện lãnh đạo Sao Mai Group và Koyo Group thực hiện nghi thức ký kết hợp đồng. 

Nhận thấy được lợi thế của bóng đèn NLMT, UBND tỉnh An Giang đã giao các ngành nghiên cứu, đề xuất phương án hợp tác với Tập đoàn Koyo. Về cơ bản, Tập đoàn Koyo đồng ý đầu tư thay thế bóng đèn công cộng hiện nay (sử dụng điện lưới quốc gia) bằng đèn led NLMT tại các tuyến đường của TP Long Xuyên. Đổi lại, tỉnh sẽ sử dụng số tiền điện tiết kiệm được (dùng để trả tiền điện hàng năm cho hệ thống chiếu sáng công cộng) để trả dần cho Tập đoàn Koyo theo thời gian cam kết.

* Sao Mai vẫn là đơn vị tiên phong

Được tham dự cùng UBND tỉnh trong buổi tiếp và làm việc với Koyo Group khi Tập đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại An Giang vào tháng 11-2015, Tập đoàn Sao Mai nhận thấy NLMT là lĩnh vực hấp dẫn, nhiều tiềm năng nên đã chủ động liên lạc, tìm cơ hội hợp tác với Công ty Koyo Corporation (thành viên Koyo Group). Đến tháng 12-2015, Sao Mai đã ký được biên bản thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp này và Koyo sẽ cung cấp một số sản phẩm cho Sao Mai sử dụng như: Hệ thống đèn led chiếu sáng tiết kiệm điện trong các nhà máy sản xuất của tập đoàn; hệ thống đèn chiếu sáng ngoài trời thông minh dùng NLMT lắp đặt cho các khu đô thị cao cấp, các resort…

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết thêm: vào tháng 5-2016 đoàn công tác của Tập đoàn đã có chuyến tham quan, làm việc thực tế tại Nhật Bản để tìm hiểu về NLMT và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. "Có đi thực tế sang Nhật Bản tôi mới hiểu tại sao người Nhật lại giỏi thế. Chỉ ngồi nói chuyện hơn một giờ với Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản, tôi hiểu vì sao nước Nhật có thể tạo nên kỳ tích phát triển như vậy. Tinh thần làm việc của họ thật sự là bài học quý giá cho chúng tôi. Chuyến đi Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội cho Tập đoàn Sao Mai làm ăn, hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi. Chúng tôi đã đi tham quan thực tế nhà máy điện NLMT, thăm các khu dưỡng lão, tham quan khu nuôi lươn Nhật Bản… Qua đó càng khẳng định, việc Tập đoàn Sao Mai hợp tác với Tập đoàn Koyo khai thác NLMT và một số lĩnh vực khác tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn" – ông Thuấn khẳng định!

* Phát huy tiềm năng

Để triển khai chương trình hợp tác hai bên đi đến thống nhất, Koyo sẽ cung cấp lắp đặt hệ thống phát điện dùng pin NLMT cho nhà máy số 1 - Công ty IDI với công suất hơn 1MW, vốn đầu tư gần 1,5 triệu USD. Dự án này được xem là đáp án mẫu cho bài toán giảm chi phí điện năng trong sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam. Khi công trình hoàn thành đi vào hoạt động sẽ có tác dụng rất lớn trong quảng bá, thuyết phục khách hàng, góp phần quan trọng làm nên thành công cho chương trình phân phối độc quyền sản phẩm năng lượng mặt trời của Koyo tại Việt Nam. Từ đó hình thành nên thị trường cho sản phẩm này để hai bên tiến đến xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin NLMT trong khu công nghiệp của Sao Mai như kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, Tập đoàn Sao Mai sẽ xây dựng nhà máy phát điện dùng pin năng lượng mặt trời tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có công suất 208 MW dưới sự hỗ trợ đắc lực của Koyo Group. Đây sẽ là một trong những số ít nhà máy điện NLMT đầu tiên có quy mô lớn ở Việt Nam.

"Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về ngành NLMT. Tuy nhiên, chưa được quan tâm khai thác phù hợp và Tập đoàn Sao Mai là doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu như Tập đoàn Sao Mai khai thác tốt NLMT, sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, giảm thải hiệu ứng phát thải khí nhà kính cho sự phát triển bền vững" – ông Koichi Kawaji, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Koyo holdings Incorporated nhấn mạnh!

Bài, ảnh: Trần Kiệt

Chia sẻ bài viết