22/08/2011 - 08:46

Khai thác hải sản theo hướng có lợi cho môi trường vùng ven biển

Việc khai thác hải sản ven biển bằng cào bờ xiệp mé làm hủy hoại ô nhiễm môi trường ở Kiên Giang đang giảm, thay vào đó nghề đăng nò truyền thống đang được khôi phục. Hiện toàn tỉnh đã có gần 400 miệng nò hoạt động.

Các địa phương có nghề đăng nò khôi phục nhanh là huyện An Minh với gần 200 miệng nò, kế đến là huyện An Biên, Hòn Đất... Do mắc lưới của đăng nò thưa, nên nguồn lợi hải sản thu được có chọn lọc, không có tôm cá con, như: cá thu cờ, cá nhám, cá ảo, cá gúng... lọt lưới. Giá trị thương phẩm của đăng nò khá cao, bình quân mỗi chủ nò có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó mức đầu tư lại thấp, chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng cho một miệng nò, mỗi miệng nò nếu được gìn giữ tốt, thời gian khai thác có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm.

Không giống như nghề cào bờ xiệp mé, việc khai thác nguồn lợi hải sản bằng đăng nò xem như hướng làm ăn phù hợp, vừa duy trì bảo vệ được nguồn tôm cá mới sinh sản, vừa không gây ô nhiễm môi trường ven biển, vốn từ trước đến nay được xác định là chỗ dựa sinh sản của tôm cá. Do vậy, hiện có nhiều ngư dân có ý định chuyển đổi từ nghề cào bờ xiệp mé sang nghề đăng nò. Song một số địa phương, nhất là những huyện ven biển, còn chưa tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi kịp thời, do còn vướng việc qui hoạch phân định giới hạn vùng biển khai thác, giá cả cho thuê mặt nước chưa hợp lý, cũng như một số qui định khác. Mong ngành chức năng cũng như các địa phương vùng ven biển, sớm có sự phối hợp và có biện pháp tháo gỡ.

NAM THẮNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết