27/02/2011 - 21:36

Kế hoạch Marshall kiểu nào ?

Dư luận phương Tây hiện nay đang bàn luận và kêu gọi xây dựng “Kế hoạch Marshall” dành cho các nước Trung Đông và Bắc Phi, sau làn sóng biểu tình bạo động lật đổ và đòi cải cách chính trị ở hai khu vực này. Tại Mỹ, cựu Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson, nhà tư tưởng đối ngoại của đảng Dân chủ và là một thân tín của Tổng thống Barack Obama, đã tiên phong đưa ra sáng kiến đó. Ở châu Âu, các bộ trưởng ngoại giao Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý đã thúc giục các đồng nghiệp Liên minh châu Âu (EU) nghiêm túc thảo luận vấn đề này. Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà Christine Lagarde, và Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu Laurent Wauquiez cũng tuyên bố hưởng ứng.

“Kế hoạch Marshall” hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật trị giá 13 tỉ USD kéo dài 4 năm (1948-1952) của Mỹ dành cho châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai được nhiều nhà kinh tế và lịch sử đáng giá đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình tái thiết ở cựu lục địa. Trước khi thực thi kế hoạch này, Washington cũng đã viện trợ 12 tỉ USD cho châu Âu ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Đó là những khoản đóng góp đáng kể trong bối cảnh GDP của Mỹ thời điểm năm 1948 chỉ có 258 tỉ USD. Nếu so sánh mặt bằng giá và GDP hiện tại hơn 14.600 tỉ USD của nền kinh tế số một thế giới thì mức viện trợ quy đổi ra ngày nay sẽ khổng lồ. Vì thế, nếu phương Tây viện trợ cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch và nông nghiệp như Tunisie, hay giúp đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Libye thì phải cần ngân khoản lớn. Tình hình suy thoái kinh tế, thâm hụt ngân sách và nợ công cao hiện nay khiến châu Âu và Mỹ hết sức dè chừng và tính toán tỉ mỉ bài toán đối ngoại chiến lược này.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phương Tây sẽ không dễ gì chịu bỏ tiền vào lĩnh vực không mang lại lợi nhuận khi mà các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận của họ không phát huy tác dụng ở khu vực này. Những tiêu chuẩn ngoại giao mới là hình thức can thiệp tinh vi hơn, thay vì chính sách dung túng các chế độ độc tài “dễ bảo”. Một “Kế hoạch Marshall” đúng nghĩa mới nếu có của phương Tây ắt hẳn sẽ trải qua nhiều giai đoạn và kiểu cách, nhưng tất cả đều nằm trong lợi ích của bên chủ xướng.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết