20/10/2014 - 10:05

Kẻ ăn không hết...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cơ quan có nhiệm vụ chính là quản lý lãi suất và kích thích việc làm, cuối tuần rồi đã tổ chức một hội nghị về vấn đề bất bình đẳng thu nhập. Động thái bất thường này (bởi đây đâu phải là việc của FED) cho thấy cách biệt giàu - nghèo tại xứ cờ hoa hiện trầm trọng tới mức nào. Phát biểu tại đây, Chủ tịch FED Janet Yellen nói rằng bà "cực kỳ lo ngại" trước xu hướng này.

Theo khảo sát của FED, người giàu ở Mỹ ngày càng giàu hơn với 5% hộ gia đình ở tốp trên sở hữu 63% tổng tài sản vào năm ngoái so với 54% hồi năm 1989. Trong khi đó, người nghèo tiếp tục nghèo thêm. Một nửa hộ gia đình ở tốp dưới hiện chỉ sở hữu 1% tài sản so với 3% trước đây. Cách biệt giàu - nghèo tại Mỹ đang xấp xỉ mức cao nhất trong một thế kỷ qua.

Thật ra tình trạng phân hóa giàu - nghèo không phải là "đặc sản" của nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Một báo cáo được ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse công bố hồi tuần rồi cho biết 0,7% người giàu nhất thế giới (tài sản từ 1 triệu USD trở lên) đang nắm trong tay 44% tài sản toàn cầu, trong khi 50% dân số nghèo nhất sở hữu chưa tới 1%.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có cách biệt giàu - nghèo ngày càng lớn, Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc cảnh báo. Gini - chỉ số đo lường bất bình đẳng thu nhập - tại Ấn Độ đã tăng từ 30,8 hồi đầu thập niên 1990 lên 33,9 vào cuối những năm 2000, tại Trung Quốc từ 32,4 lên 42,1 và Indonesia từ 29,2 lên 38,1. Khu vực này năm ngoái có khoảng 49.000 người cực giàu (chiếm 0,001% dân số, tài sản từ 30 triệu USD trở lên) nắm giữ tổng cộng 7.500 tỉ USD, tương đương 30% tổng tài sản.

Bên cạnh những "kẻ ăn không hết" như vậy thì còn vô số "người lần chẳng ra". Theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, thế giới hiện vẫn còn 850 triệu người (tức 1/9 dân số) đói ăn, bên cạnh đó là hơn 2 tỉ người do thu nhập thấp nên không thể bổ sung lượng vitamin và khoáng chất cần thiết.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết