19/06/2011 - 21:51

Kẻ ăn không hết...

Mất cân bằng về thu nhập đang là vấn đề lớn tại nhiều nước. Ảnh: Getty

Thủ tướng Pháp Francois Fillon mới đây nói rằng ông bị sốc khi nhìn vào mức thu nhập cao ngất ngưởng của một số giám đốc điều hành (CEO) giữa lúc tình hình công ty không lấy gì làm sáng sủa. Chuyện lương, thưởng của lãnh đạo tăng vùn vụt trong khi thu nhập người lao động vẫn “giậm chân tại chỗ” chắc chắn không phải chỉ có ở đất nước hình lục giác.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, mức độ hạnh phúc và hài lòng của người dân xứ cờ hoa đã sụt giảm đáng kể do sự chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn, nhất là từ những năm 1980 tới nay, theo một khảo sát vừa đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý. “Nhìn chung, mức lương của các CEO tăng khủng khiếp, trong khi người lao động bình thường thì không được như vậy”-nhà tâm lý Shigehiro Oishi tại Đại học Virginia nói. Năm ngoái, thu nhập của các CEO tại 299 công ty hàng đầu nước Mỹ là 3,4 tỉ USD, đủ để chi trả cho hơn 102.000 công nhân (riêng giám đốc Philippe P. Dauman của tập đoàn truyền thông Viacom bỏ túi tới 84,5 triệu USD). Vị chi mỗi CEO có thu nhập 11,4 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2009 và bằng 28 lần lương tổng thống Mỹ. Điều đáng nói là tại một số tập đoàn, thu nhập của lãnh đạo tăng không phải nhờ ăn nên làm ra mà là do cắt giảm chi tiêu và sa thải bớt nhân viên.

Tại Trung Quốc, ngoài bất bình đẳng về lương giữa “sếp” và “lính” trong các doanh nghiệp còn có sự chênh lệch về thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các ngành công nghiệp. Một cuộc khảo sát đầu năm nay tại Thượng Hải cho thấy thu nhập của cấp quản lý trung bình cao hơn 5 lần so với nhân viên bình thường trong công ty. Những người làm trong các lĩnh vực độc quyền như năng lượng, viễn thông hay ngân hàng có thu nhập cao gấp 6,4 lần lao động trong ngành xây dựng, sản xuất, bán lẻ. Tính trên toàn quốc, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cao hơn 3,3 lần so với nông thôn.

Tình trạng kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra còn xảy ra tại nhiều nơi khác nữa, giàu cũng như nghèo. Chẳng hạn ở Hồng Công, thu nhập của 10% hộ nghèo nhất hồi năm ngoái chỉ bằng 1/27 của 10% hộ giàu nhất, mức chênh lệch cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó Namibia tiếp tục là quốc gia có cách biệt giàu- nghèo lớn nhất thế giới với 20% ở tốp trên cùng nắm giữ 78,7% thu nhập quốc gia, gấp 56 lần so với phần của 20% ở tốp dưới cùng.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết