|
Lực lượng an ninh Iraq tiếp quản quyền kiểm soát các đô thị hôm 30-6. Ảnh: AP |
Hôm qua 30-6, Iraq tiến một bước quan trọng tới việc tái lập chủ quyền quốc gia khi các đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ rút khỏi các đô thị, chuyển giao quyền kiểm soát cho lực lượng an ninh sở tại. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi Iraq của Mỹ vào cuối năm 2011, sau 6 năm đưa quân sang lật đổ chế độ Saddam Hussein. Thủ tướng Nuri al-Maliki tuyên bố lấy ngày 30-6 làm “Ngày chủ quyền quốc gia”, và khẳng định rằng với 750.000 binh sĩ và cảnh sát, Iraq có thể tự bảo vệ đất nước. Theo ông, việc quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố của Iraq có lợi cho an ninh nước này.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố và tăng cường tấn công vào các căn cứ của lực lượng nổi dậy ở nông thôn sẽ dẫn tới khủng hoảng an ninh ở Iraq, vì các tay súng (và mạng khủng bố quốc tế Al Qaeda) sẽ đẩy mạnh hoạt động bí mật vào đô thị. Thực tế là hàng loạt vụ đánh bom quy mô lớn đã xảy ra trong vài ngày gần đây, trong đó gây nhiều thương vong nhất là vụ tấn công làm 72 người chết và hơn 200 người bị thương tại thành phố Kirkuk hôm 20-6. Tổng số lính Mỹ chết tại Iraq cũng đã lên tới 4.317 người sau vụ đánh bom nhằm vào xe tuần tra của họ tại quận Sadr City hôm 28-6, làm một binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Các nhà phân tích cho rằng con đường đi đến hòa bình ở Iraq vẫn còn xa sau khi Mỹ rút quân. Quân đội Mỹ và chính phủ Iraq đã chi hàng tỉ USD để tuyển mộ, huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng an ninh. Tuy nhiên, lực lượng này được xây dựng từ các phe phái khác nhau, trong khi nhiều chỉ huy không có năng lực. Tình trạng tham nhũng tràn lan ở Iraq cũng đe dọa khả năng thống nhất các lực lượng an ninh.
Trong khi đó, sự chia rẽ giữa người Shiite, người Sunni và người Kurd trở nên sâu sắc hơn sau khi Mỹ rút quân khỏi các thành phố. Người Sunni và người Kurd lo ngại họ bị gạc khỏi chính quyền do người Shiite chiếm đa số. Thực tế, chính quyền ông Maliki từng bắt một số nhà lãnh đạo Hội đồng thức tỉnh của người Sunni, tổ chức do Mỹ bảo trợ để chống lại Al Qaeda. Người Kurd ở khu bán tự trị phía Bắc cũng đang tranh cãi về đất và dầu với chính quyền của ông Maliki, và lo sợ có thể bị hạn chế sự độc lập mà họ đã có dưới sự bảo trợ của phương Tây từ sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1990-1991. Do đó, giới quan sát cho rằng khi quân đội Mỹ rút khỏi các đô thị, nguy cơ đối đầu giữa các tay súng người Kurd với quân đội Iraq gia tăng, trong khi sự tức giận của người Sunni có thể một lần nữa đẩy Iraq vào nội chiến.
N.KIỆT (Theo Reuters, Washingtonpost, AFP)