|
Hai nhà lãnh đạo Iran (trái) và Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 6-9. Ảnh: AP |
Cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 6-9 một lần nữa cho thấy sự thất bại của phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ, trong nỗ lực bao vây cô lập Tehran. Ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc tôn trọng quyền của Iran được phát triển hạt nhân dân sự, và kiên định lập trường giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này thông qua thương lượng. Nói cách khác, Bắc Kinh không tán thành việc cấm vận Tehran, càng không ủng hộ việc sử dụng vũ lực (như hăm he của Mỹ và Israel). Dù phương Tây ra sức kêu gọi không làm ăn buôn bán với Tehran, quan hệ thương mại Iran-Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh và dự kiến đạt kim ngạch 30 tỉ USD trong năm nay.
Trước đó, ngày 28-8, Tổng thống Ahmadinejad được Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, với Nga và Trung Quốc giữ vai trò chủ chốt) mời dự hội nghị thượng đỉnh tại Thủ đô Dushanbe của Tajikistan. Iran hiện là quan sát viên của SCO và có thể sẽ sớm gia nhập tổ chức này. Tại đây, ông Ahmadinejad có cuộc gặp bên lề với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Quan hệ Nga- phương Tây hiện đang hết sức căng thẳng nên Mát-xcơ-va không thể bỏ qua cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của Tehran, một thế lực mới ở Trung Đông. Ngày 5-9, Iran và Nga đạt được thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thông tin Iran Gholam-Hossein Mohseni Ejeie và người đứng đầu Cơ quan an ninh liên bang Nga Alexander Bortnikov. Cùng ngày, công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga cho biết “Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Iran về kỹ thuật, quân sự và năng lượng bất chấp sự phản đối của Mỹ”. Mát-xcơ-va còn xem xét khả năng huấn luyện cho các chuyên gia hạt nhân của Tehran.
Cũng trong tuần rồi, Tổng thống Bolivia Evo Morales tới Iran để thắt chặt quan hệ song phương. Tổng thống Morales tuyên bố ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời ủng hộ nước này ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2009-2010. Ông Morales nói rằng Bolivia và Iran có điểm chung là cùng chống chủ nghĩa bá quyền, và “không một quốc gia hoặc thế lực nào có thể cản trở Bolivia mở rộng quan hệ với Iran”. Trở về nước sau chuyến thăm, Tổng thống Morales quyết định dời đại sứ quán Bolivia ở Trung Đông từ Ai Cập sang Iran (đến nay Bolivia chỉ có một đại sứ quán chung cho khu vực Trung Đông). Ngoài Bolivia, Tehran còn có hai đồng minh nữa ở Mỹ La-tinh là Venezuela và Cuba.
Như vậy, chẳng những không bao vây cô lập được Iran, Mỹ còn bị thua đau khi Tehran gầy dựng chỗ đứng ngay tại “sân sau” của mình. Thomas Shannon, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu, thừa nhận vai trò ngày càng lớn của Iran ở Mỹ La-tinh sẽ làm giảm ảnh hưởng truyền thống của Washington đối với khu vực này.
LÊ DÂN (Theo AP, Tehrantimes)