20/10/2024 - 08:21

Indonesia ưu tiên cho quốc phòng trong kỷ nguyên mới 

Ngày 20-10, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto chính thức trở thành tổng thống tiếp theo của Indonesia, thay thế ông Joko Widodo quản lý đất nước vạn đảo.

Ông Prabowo (phải) và Tổng thống sắp mãn nhiệm Widodo thị sát tình hình an ninh trước lễ nhậm chức ngày 20-10. Ảnh: CNA

Giới phân tích nhận định, dưới thời ông Prabowo, nhiều quân nhân có thể được triển khai đến tỉnh Papua, nơi chính thức trở thành một phần của Indonesia hồi năm 1969 và kể từ đó đã phải chứng kiến nhiều cuộc nổi loạn. Trong nhiều năm qua, Jakarta luôn triển khai số lượng binh sĩ và cảnh sát đáng kể ở Papua, nơi được coi là khu vực được quân sự hóa nhiều nhất ở Indonesia. Chỉ tính riêng từ tháng 2 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, khoảng 6.700 quân nhân và cảnh sát đã được triển khai tới Papua.

Đáng chú ý, ông Prabowo cũng từng được điều động đến Papua vào năm 1996 khi một nhóm nhà nghiên cứu bị các nhóm ly khai bắt làm con tin. Dưới sự chỉ huy của ông, các con tin cuối cùng đã được giải thoát và sự nghiệp của ông từ đó cũng “lên hương”. 

Và trong bối cảnh ông Prabowo trở thành tổng thống Indonesia, một số người tin rằng ông có thể tận dụng một cách hiệu quả các kỹ năng và kinh nghiệm quân sự để lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời mở đường cho quân nhân đóng vai trò lớn hơn ở Indonesia.

Ông Prabowo hồi tháng 10-2019 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Do giữ vai trò rất quan trọng, Bộ Quốc phòng Indonesia là một trong những đơn vị nhận được nhiều tiền nhất từ ngân sách quốc gia trong những năm qua dù số tiền này có chút dao động do bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trong giai đoạn 2020-2022. Và khi COVID-19 bắt đầu lắng xuống vào năm 2022, Bộ Quốc phòng Indonesia nhận được ngân sách 150,4 ngàn tỉ rupiah (tương đương 9,7 tỉ USD). Năm nay, đơn vị này nhận được 175,1 ngàn tỉ rupiah và ông Prabowo quyết định chi phần lớn số tiền đó để mua khí tài quân sự từ nhiều nước khác nhau để thay thế các thiết bị cũ kỹ. Đó là sự thay đổi so với người tiền nhiệm Ryamizard Ryacudu, vốn chủ yếu dựa vào thiết bị quốc phòng được sản xuất trong nước.

Dưới sự giám sát của ông Prabowo, Indonesia đã mua chiến đấu cơ Rafale từ Pháp và máy bay vận tải Airbus A400M từ châu Âu. Jakarta cũng ký hợp đồng với nhà sản xuất tên lửa Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới chuyên gia, việc Indonesia mua sắm thiết bị quốc phòng từ các quốc gia khác nhau cũng là một cách để duy trì mối quan hệ quốc tế tốt đẹp. Song, động thái này làm dấy lên mối lo ngại về tính đồng bộ và khả năng tương tác của vũ khí. Trước đây, Indonesia từng mua chiến đấu cơ Sukhoi của Nga do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 1999 áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Indonesia sau khi Jakarta can thiệp quân sự ở Đông Timor. Song, EU và Mỹ đã lần lượt dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2000 và 2005.

Năm tới, Bộ Quốc phòng Indonesia cũng sẽ nhận được ngân sách lớn nhất trong số tất cả các bộ. Dù ngân sách dành cho bộ này sẽ chỉ là 165,2 ngàn tỉ rupiah, ít hơn so với ngân sách của năm nay, nhưng điều đó cũng báo hiệu rằng Bộ Quốc phòng Indonesia sẽ là ưu tiên của chính quyền mới. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Muhammad Herindra, ngân sách sẽ được sử dụng để tiếp tục mua thêm vũ khí và đảm bảo phúc lợi cho quân nhân. Về phần mình, ông Prabowo trong một tuyên bố hồi năm ngoái cho biết mỗi một trong số 38 tỉnh của Indonesia trong tương lai đều sẽ có bộ chỉ huy quân sự, tăng mạnh so với con số chỉ 15 bộ chỉ huy quân sự ở thời điểm hiện tại. Một số người cho rằng động thái này là dấu hiệu của tình trạng quân sự hóa ngày càng tăng nhưng thật ra nó đã được lên kế hoạch kể từ thời cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Giới phân tích cho rằng ngoài việc nâng cấp khí tài quân sự và cải thiện phúc lợi cho quân nhân, ông Prabowo một mặt sẽ muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh của Indonesia, mặt khác được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của đất nước. “Tôi tin rằng Indonesia dưới thời ông Prabowo sẽ phát triển nhiều mối quan hệ chiến lược hơn. Là cựu tướng lĩnh 4 sao đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng, ông ấy hiểu sâu sắc hơn về ngoại giao quốc phòng. Tôi nghĩ đây là một lợi thế để Indonesia vươn ra quốc tế trong thời đại của ông Prabowo” - Khairul Fahmi, nhà quan sát quân sự và chính sách quốc phòng từ Viện nghiên cứu An ninh và Chiến lược Indonesia, nhận định.

Ðặt mục tiêu xây dựng 15 triệu căn nhà mới cho người nghèo

Một quan chức Chính phủ Indonesia cho biết Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto và Phó Tổng thống đắc cử Gibran Rakabuming Raka đã vạch ra các chương trình phát triển đất nước trong thời gian tới, trong đó mục tiêu xây dựng 15 triệu căn nhà mới cho người dân nghèo trong cả nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, hàng ngàn người dân nghèo đang phải sống trong các khu vực không có đầy đủ điều kiện tối thiểu như nước sạch, điện và mạng Internet. Do vậy, chương trình xây dựng nhà mới cho người dân là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Phát biểu với báo giới ngày 17-10, người đứng đầu lực lượng đặc trách của Tổng thống đắc cử, ông Hashim Djojohadikusumo cho hay chính phủ mới đặt mục tiêu xây dựng 15 triệu ngôi nhà trong nhiệm kỳ 5 năm, có nghĩa mỗi năm sẽ có 3 triệu ngôi nhà được hoàn thành để hỗ trợ những người dân nghèo. Theo ông Hashim, 3 triệu ngôi nhà sẽ bao gồm 1 triệu căn ở khu vực thành thị và 2 triệu căn ở khu vực nông thôn. Chính sách này cũng sẽ tạo ra một số lượng việc làm mới cho xã hội.

Chương trình xây dựng 3 triệu ngôi nhà mỗi năm được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay trong bối cảnh Indonesia đang thiếu hụt khoảng 12,7 triệu căn nhà trong cả nước.

 

Chia sẻ bài viết