24/08/2019 - 19:09

Indonesia đau đầu trước vấn đề Tây Papua 

Indonesia hôm 21-8 đã triển khai hơn 1.000 nhân viên an ninh đến tỉnh Tây Papua và cho cắt mạng Internet tại đây trong bối cảnh các cuộc biểu tình và bạo lực lan rộng, khiến một khu chợ bị đốt cháy, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Bộ Truyền thông Indonesia cho biết việc truy cập Internet sẽ tạm thời bị chặn ở Papua và các khu vực lân cận cho đến khi “bầu không khí trở lại bình thường”. Theo người phát ngôn Bộ Truyền thông Ferdinandus Setu, đây là biện pháp ngăn chặn việc phát tán thông tin mang tính khiêu khích, vốn có thể kích động hận thù chủng tộc. Tuy nhiên, các nhà hoạt động đã lên tiếng chỉ trích hành động này, cho rằng nó sẽ gây khó cho việc xác minh sự thật và đảm bảo an toàn cho người dân.

Giọt nước làm tràn ly

Động thái trên được xứ sở vạn đảo đưa ra sau khi có tới 5.000 người xuống đường biểu tình bên trong và xung quanh thành phố Timika. Những người biểu tình được cho đã ném đá vào trụ sở hội đồng lập pháp địa phương và phá các hàng rào xung quanh tòa nhà. Theo Herry Rudolf Nahak, cảnh sát trưởng Tây Papua, hàng trăm người đã tuần hành qua các đường phố của thành phố cảng Sorong, đập phá sân bay và “tiếp tay” cho khoảng 250 tù nhân vượt ngục hôm 19-8. Còn tại thị trấn Fakfak, những người biểu tình treo những lá cờ Papua ly khai bị cấm. Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình cùng đồng thanh hô vang “Hãy trả tự do cho Papua” và giương cao biểu ngữ yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập. Truyền thông địa phương cho biết, cảnh sát đã bắn hơi cay sau khi người biểu tình đốt phá chợ cũng như phá hủy nhiều máy ATM và cửa hàng. Cảnh sát đã bắt giữ 45 người, gồm một số người bị cáo buộc là chủ mưu các cuộc biểu tình.

Tờ Guardian cho hay chính vụ bắt giữ các sinh viên ở thành phố Surabaya, tỉnh lỵ tỉnh Đông Java, hồi cuối tuần qua đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Papua. Người phát ngôn cảnh sát quốc gia, Tướng Dedi Prasetyo, cho biết hầu hết những người biểu tình bị kích động sau khi 43 sinh viên người Papua bị bắt giữ với cáo buộc không tôn trọng quốc kỳ Indonesia treo trước ký túc xá trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập hôm 17-8. Cảnh sát đã xịt hơi cay vào khu ký túc xá trước khi bắt giữ các sinh viên trên. Người biểu tình cáo buộc lực lượng an ninh đã sử dụng “những từ ngữ phân biệt chủng tộc một cách cực đoan” đối với người Papua. Tuy nhiên, vụ việc trên được coi là giọt nước làm tràn ly bởi những vấn đề xã hội hóc búa tồn tại giữa người Papua và phần còn lại của Indonesia. 

Nhuốm màu sắc ly khai

Papua từng là thuộc địa của Hà Lan, nằm ở phía Tây đảo New Guinea vốn khác biệt về tập quán và văn hóa với phần còn lại của Indonesia. Năm 1969, Papua sáp nhập vào Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ mà nhiều người dân nơi đây coi là một sự giả tạo. Kể từ đó, nhiều cuộc nổi dậy đã nổ ra, khiến khu vực này chia thành 2 tỉnh, gồm Papua và Tây Papua. Trong những năm gần đây, một số sinh viên Papua đã đứng ra kêu gọi quyền tự quyết cho khu vực, nơi giữ vai trò kinh tế quan trọng đối với Indonesia. Đây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, Grasberg Mine, mỏ vàng lớn nhất của Papua hiện thuộc sở hữu của công ty Freeport McMoran (Mỹ) và Chính phủ Indonesia. Tây Papua cũng là  nơi sở hữu mỏ khí đốt tự nhiên Tangguh.

Hàng ngàn người dân Papua xuống đường biểu tình. Ảnh: Guardian

Tây Papua từng có 3 phong trào chính trị lớn đấu tranh đòi độc lập. Đến năm 2014, các nhóm này hợp nhất với tên gọi Phong trào  thống nhất giải phóng cho Tây Papua (ULMWP). Theo Andreas Harsono, nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền HRW tại Indonesia, người Papua từ lâu đã bị phân biệt chủng tộc và đây là yếu tố thôi thúc giới trẻ gia nhập phong trào đòi ly khai. “Phần lớn người Papua bị những người không phải là Papua coi là tầng lớp thấp kém, bẩn thỉu, ngu dốt” - ông Harsono lý giải. 

Thời gian qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tìm cách làm giảm căng thẳng trong khu vực. Theo đó, ông đến thăm khu vực tới 2-3 lần/năm, nhiều hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào, nhằm thúc giục triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường phúc lợi cho khu vực. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng đường cao tốc xuyên Papua dài 4.330km nhằm cải thiện kết nối nhiều cộng đồng bị cô lập ở đây.

Tuy nhiên, người Papua vẫn cảm thấy các dự án chỉ có lợi cho người Indonesia chứ không phải cho dân bản địa. Theo ông Harsono, những thay đổi về cơ cấu dân số tại khu vực trong vài thập niên qua do chính sách di dân đã làm hỏng các nỗ lực cải thiện thu nhập của chính phủ dành cho người bản địa. Chính sách này giúp người dân nơi khác đến định cư tại Papua nhiều hơn. Ngoài ra, tình trạng xuống cấp môi trường do các hoạt động khai mỏ, sản xuất dầu cọ, phá rừng càng khiến người địa phương bất bình.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
IndonesiaTây Papua