14/09/2020 - 08:00

Hy Lạp mua nhiều vũ khí giữa căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ 

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 13-9 đã công bố một chương trình mua sắm vũ khí lớn kèm theo kế hoạch cải cách quân đội nước này trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải. Đây được cho là cuộc cải cách quân đội tham vọng nhất của Athens trong gần 2 thập kỷ qua.

Tàu thăm dò Oruc Reis được các tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống. Ảnh: Reuters

Ông Mitsotakis tuyên bố: “Ðã đến lúc cần củng cố các lực lượng vũ trang... Những sáng kiến này sẽ tạo thành một chương trình lớn để hình thành lá chắn quốc gia”. Cụ thể, Hy Lạp sẽ mua 18 máy bay chiến đấu Rafale do Pháp chế tạo, 4 khu trục hạm đa nhiệm và 4 trực thăng hải quân, đồng thời tuyển thêm 15.000 binh sĩ và dồn các nguồn lực cho ngành công nghiệp vũ khí cũng như chiến lược phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng. Vũ khí chống tăng mới, ngư lôi cho hải quân và tên lửa cho không quân cũng sẽ được trang bị. Ngoài ra, chương trình còn bao gồm việc nâng cấp 4 khu trục hạm hiện có.

Thủ tướng Mitsotakis được cho là đề ra kế hoạch mua sắm vũ khí nói trên sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nam Âu hồi tuần rồi tại Corsica. Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ Hy Lạp trong căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Ankara đơn độc?

Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi Ankara triển khai tàu thăm dò dầu khí Oruc Reis ở Ðông Ðịa Trung Hải, nơi hai quốc gia thành viên EU là Cộng hòa Síp và Hy Lạp cũng xác nhận chủ quyền.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp mới đây, lãnh đạo 7 nước thành viên EU nằm ven Ðịa Trung Hải đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Hy Lạp và CH Síp thông qua đối thoại. Theo đó, lãnh đạo các nước này “lấy làm tiếc” việc Thổ Nhĩ Kỳ không đáp lại những kêu gọi liên tiếp của EU hối thúc nước này chấm dứt các “hoạt động đơn phương” ở Ðông Ðịa Trung Hải. Tuyên bố nêu rõ các nước này “khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với CH Síp và Hy Lạp”, đồng thời cảnh báo “nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đối thoại và không chấm dứt các hoạt động đơn phương, EU sẵn sàng bổ sung các biện pháp trừng phạt và vấn đề này có thể được thảo luận tại Hội đồng châu Âu vào ngày 24-25/9 tới”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng quân sự giữa Ankara và Athens ở Ðịa Trung Hải, kêu gọi giải quyết bằng ngoại giao.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các hành động hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. CH Síp có quyền khai thác các nguồn tài nguyên của mình, bao gồm quyền với các mỏ khí đốt được tìm thấy trong vùng đặc quyền kinh tế của họ”, ông Pompeo nói trong cuộc gặp Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades tối 12-9.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-9 đã kêu gọi Hy Lạp đối thoại trực tiếp và vô điều kiện nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy yêu cầu Hy Lạp “từ bỏ những tuyên bố chủ quyền trên biển đi ngược lại luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis đã từ chối “đối thoại trước họng súng” và dọa sẽ đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế.

QUỐC KHÁNH (Theo AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết