 |
Thủ tướng Cameron (trái) và ông Brown. |
Thủ tướng Anh David Cameron vừa có động thái được xem là bất ngờ khi tuyên bố hôm 19-4 rằng người tiền nhiệm Gordon Brown không nên ứng cử vào chiếc ghế giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và đề nghị nên để một người ngoài châu Âu lãnh đạo định chế tài chính này.
Thời gian gần đây, dư luận xứ sương mù rộ lên tin đồn cựu Thủ tướng Brown sẽ đảm nhận công việc có mức lương 270.000 bảng tại IMF, thay ông Dominique Strauss-Kahn, dự kiến sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm nay để tham gia tranh cử tổng thống Pháp. Phát biểu tại Đại học Edinburgh tối 19-4, ông Brown cũng tỏ ý định làm việc tại quỹ này khi kêu gọi cải tổ toàn bộ các tổ chức mạnh nhất thế giới, trong đó có IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Ông cho rằng các định chế hiện nay không thể giải quyết những thách thức trong thế kỷ 21, bởi nó được thiết kế cho một thời kỳ khác, giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh, nên không thể ngăn chặn các cuộc khủng hoảng thời nay.
Bất kỳ người nào được đề cử làm giám đốc IMF cũng cần có sự thông qua của quốc gia mà người đó là công dân. Điều này có nghĩa là Thủ tướng Cameron nắm trong tay quyền phủ quyết tiến trình đề cử ông Brown vào IMF. Và chủ nhân nhà số 10 phố Downing nói thẳng rằng ông Brown không phải là người thích hợp nhất để thay thế ông Strauss-Kahn. Nguyên do là vì ông Brown không hiểu được sự nguy hiểm của tình trạng nợ nần. Theo Thủ tướng Cameron, trong thời gian ông Brown nắm quyền, nước Anh “bùng nổ” vay nợ và rơi vào suy thoái. Chính quyền Công đảng dưới thời ông Brown đã để lại khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục, buộc chính quyền bảo thủ hiện tại phải “thắt lưng buộc bụng” với kế hoạch cắt giảm chi tiêu 81 tỉ bảng. Vì vậy, ông Cameron cho rằng giám đốc IMF kế tiếp phải là người “hiểu được sự nguy hiểm của nợ quá mức” và đề nghị tìm ứng viên từ các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc hay Nam Á, thay vì một “chính khách đã bị ra rìa”.
Tất nhiên, Công đảng lập tức lên tiếng bảo vệ thời gian họ nắm quyền và cho rằng những vấn đề tài chính là do khủng hoảng ngân hàng toàn cầu gây ra. Thủ lĩnh đảng này Ed Miliband bênh vực ông Brown là người “hoàn toàn đủ phẩm chất” cho công việc tại IMF. Ông Miliband cũng công kích ông Cameron rằng: “Loại bỏ ai đó khỏi cuộc đua thậm chí trước khi có chiếc ghế trống là điều không hay”. Chuyên gia kinh tế David Blanchflower, cựu quan chức Ủy ban chính sách Tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh, thì cho rằng đây là sự hận thù nhất từ một thủ tướng mà ông được biết trong 50 năm qua, và theo ông, hành xử của ông Cameron là “cực kỳ nhỏ nhen”.
Ai cũng biết theo “luật bất thành văn”, Liên minh châu Âu (EU) nắm quyền lãnh đạo IMF, còn Mỹ làm chủ tịch WB kể từ khi 2 định chế tài chính này được thành lập năm 1944. Cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Anh chưa biết ra sao, nhưng việc một nhà lãnh đạo trong EU không ủng hộ công dân của mình và đề nghị người ngoài nắm giữ IMF thực sự là chuyện hy hữu.
N. KIỆT (Theo Guardian, AP)