21/05/2012 - 21:01

MÔ HÌNH QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Huy động sức mạnh tập thể để phát triển kinh tế

Khách hàng giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Tín Nghĩa.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết Chỉ thị số 57-CT/TW (Chỉ thị 57) ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND). Theo nhận định của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ và các QTDND đang hoạt động trên địa bàn, qua hơn 5 năm hoạt động, mô hình này đã từng bước phát huy được sức mạnh tập thể, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Hiệu quả bước đầu

Vào thời điểm cả nước triển khai thực hiện thí điểm mô hình QTDND thì TP Cần Thơ (lúc bấy giờ là tỉnh Cần Thơ) đang triển khai mô hình ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn nên chưa thành lập thí điểm QTDND. Đến năm 2005, trong xu hướng các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị thì trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện nhu cầu thành lập QTDND. Đến ngày 23-10-2006, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ ký Quyết định thành lập QTDND Tín Nghĩa, đây là QTDND đầu tiên được thành lập và đi vào hoạt động tại TP Cần Thơ. Qua hơn 5 năm thực hiện mô hình QTDND, đến cuối năm 2011, trên địa bàn TP Cần Thơ phát triển được 6 QTDND, với 4.105 thành viên tham gia. Trong đó bao gồm các QTDND: Tín Nghĩa, Mekong, Thạnh An, Cần Thơ, Tây Đô, Vĩnh Thạnh. Tính đến ngày 31-12-2011, tổng nguồn vốn huy động của các QTDND đạt 227,6 tỉ đồng, giải quyết cho hơn 1.900 thành viên vay vốn với số tiền 203,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của các QTDND trên địa bàn đạt 8,863 tỉ đồng.

Là QTDND đầu tiên của TP Cần Thơ được thành lập và đi vào hoạt động, QTDND Tín Nghĩa đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy và là nơi hơn 1.000 thành viên thực hiện hoạt động tương trợ nhằm phát huy sức mạnh tập thể, cùng giúp nhau thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Phan Bích Nhu, Giám đốc QTDND Tín Nghĩa, cho biết: QTDND Tín Nghĩa luôn nắm bắt các chủ trương, đề án phát triển kinh tế của địa phương nhằm chủ động trong công tác mở rộng đầu tư tín dụng, phát triển thành viên. Quỹ thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay, xem hiệu quả sử dụng vốn của thành viên là hiệu quả hoạt động của quỹ. Tổng nguồn vốn năm 2011 đạt 84 tỉ đồng tăng gấp 10 lần so với năm 2006, thời điểm mới thành lập. Trong toàn bộ mức tăng tổng tài sản này, có đến 76,2% xuất phát từ nguồn vốn bền vững là tiền gửi khách hàng. Tính đến cuối năm 2011, tiền gửi khách hàng của quỹ đạt gần 64,4 tỉ đồng.

Năm 2011, công tác huy động vốn trong dân của các QTDND gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của các quỹ. Tuy vậy, các QTDND trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn nỗ lực vượt khó, tranh thủ được sự tin tưởng của nhân dân và các thành viên, tập trung nâng cao chất lượng và phong cách phục vụ để thu hút tiền nhàn rỗi. Nhờ vậy, công tác huy động vốn của các QTDND đạt kết quả tốt, các tỷ lệ an toàn vốn được đảm bảo. Bên cạnh đó, các QTDND cơ sở cũng tranh thủ sự tương trợ của QTDND Trung ương để được tiếp ứng vốn khi cần thiết, sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho các thành viên.

Từng bước hoàn thiện mô hình

Theo Chỉ thị 57, việc xây dựng và phát triển hệ thống QTDND là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, trong tổng số 6 QTDND đang hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có 2 đơn vị tập trung ở địa bàn nông thôn là QTDND Thạnh An và QTDND Vĩnh Thạnh. Đối với 2 QTDND này, việc phục vụ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn còn hạn hẹp. Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND cơ sở Thạnh An (thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Kể từ khi thành lập vào năm 2007, đến nay tổng dư nợ cho vay của QTDND Thạnh An đạt 27 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với thời điểm mới thành lập. Với địa bàn hoạt động gồm 5 xã và 2 thị trấn, QTDND Thạnh An đã làm tốt vai trò huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân để cho các thành viên vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và một số loại hình dịch vụ khác. Ngoài ra, quỹ còn cho vay theo hình thức tín chấp, trả góp dần để từng bước nâng cao đời sống các thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của quỹ vẫn còn gặp một số khó khăn do năng lực tài chính thấp, khả năng bổ sung vốn tự có còn hạn chế”.

Hiện nay, hoạt động QTDND chưa phân bổ đều và rộng khắp địa bàn TP Cần Thơ, xu hướng xây dựng QTDND ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, trong quá trình hoạt động, các QTDND cần nắm vững những nội dung cơ bản của mô hình QTDND, thực hiện đúng mục tiêu tương trợ các thành viên. Đặc biệt là phải biết từng bước mở rộng thành viên, quy mô hoạt động vừa sức quản lý trong từng giai đoạn phát triển của quỹ. Trong quá trình thực hiện mô hình, NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ sẽ thường xuyên phối hợp với UBND các cấp hỗ trợ các quỹ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn vốn”.

Tại cuộc hội nghị này Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng: Thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để phát triển thêm hệ thống QTDND tại các quận, huyện trên địa bàn chưa có, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ phát triển mạng lưới QTDND, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. Các tổ chức QTDND cần củng cố, tăng cường năng lực quản trị để tránh rủi ro, đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết