15/02/2011 - 21:28

Hướng đến trồng và sử dụng
rau màu an toàn

Ông Triệu Công Định, thành viên HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy trồng cà chua an toàn.

Nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, các ngành chức năng TP Cần Thơ đã có nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý yêu cầu các cơ sở chú trọng chất lượng thực phẩm, trong đó có rau màu. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên các loại rau màu vẫn còn nhiều khó khăn...

Nỗi lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Tháng 1-2011, Ban Quản lý siêu thị Co.op Mart Cần Thơ và chợ Tân An kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng thực phẩm trên một số loại rau màu được bày bán ở 2 điểm trên. Kết quả, trong 16 mẫu rau được phân tích, có 3 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt mức an toàn, gồm 1 mẫu cải ngọt ở siêu thị Co.op Mart và 2 mẫu cải xanh ở chợ Tân An. Với kết quả này, Chi cục đã thông báo đến Ban quản lý siêu thị và chợ Tân An để tránh nhập các loại rau màu có nguồn gốc xuất xứ cùng với loại rau vi phạm.

Ông Trần Trung Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV - Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “4 nhóm hóa chất chính thường được phát hiện tồn lại vượt mức cho phép trong các loại rau cải là: Clo, lân hữu cơ, carbamate và pyrethroid. Trong đó, mỗi loại rau cải, nông dân có thể sử dụng các loại thuốc BVTV với rất nhiều gốc thuốc. Như cà chua có đến 72 gốc thuốc, cải bắp 30 gốc thuốc, dưa chuột 49 gốc thuốc... Các chất này nếu tích tụ ở cơ thể người vượt mức cho phép và trong thời gian dài có thể gây ung thư, ức chế thần kinh, mất cảm giác... Thời gian qua, Chi cục chưa được đáp ứng đủ kinh phí, kỹ thuật thực hiện việc phân tích an toàn đối với các mẫu rau màu một cách thường xuyên. Trong khi đó, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài. Hơn nữa, việc sản xuất rau của nông dân còn manh mún, không tập trung nên rất khó cho công tác quản lý, kiểm tra”.

Ngoài các loại rau cải, dưa hấu, loại quả tiêu thụ mạnh quanh năm, cũng khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai có khoảng 16ha thâm canh dưa hấu rải rác ở nhiều hộ gia đình, với nhiều phương pháp trồng khác nhau. Anh Nguyễn Thanh Châu, ngụ ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, cho biết: “Dịp Tết vừa qua, gia đình tôi trồng 7,5 công dưa hấu. Nhờ sử dụng màng phủ nông nghiệp nên ruộng dưa ít cỏ, ít sâu bệnh, vì vậy cũng hạn chế xịt thuốc. Suốt vụ dưa, tôi chỉ bón phân 2 lần. Thường thì trước thu hoạch khoảng 10 ngày, tôi có phun kali để dưa chín đỏ và ngọt hơn. Ruộng dưa là cả tài sản của gia đình nên nếu thấy có nguy cơ giảm năng suất, chất lượng dẫn đến thua lỗ thì bằng mọi giá, người dân phải cứu dưa. Từ trước đến nay, chưa lần nào tôi thấy ngành chức năng đến kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên dưa”. Như vậy, việc một số nông dân phun thuốc BVTV khi đã cận kề ngày thu hoạch dưa là điều khó tránh khỏi.

Hướng đến an toàn trong bảo quản, vận chuyển

HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành lập từ tháng 7-2005, áp dụng các phương pháp trồng rau an toàn như: sử dụng các loại thuốc BVTV nằm trong danh mục cho phép, phun thuốc đúng liều, đảm bảo thời gian cách ly... Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, cho biết: “Mẫu đất, nước ở đây đã được ngành chức năng lấy mẫu phân tích, chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn. Thỉnh thoảng ngành BVTV có kiểm tra đột xuất, lấy mẫu rau màu thử nghiệm ngẫu nhiên”. Dịp tết vừa qua, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 100 tấn dưa hấu, 8 tấn dưa lê, 5 tấn cà chua, 1 tấn cải bắp,... qua chợ đầu mối Tân An, quận Ninh Kiều và các chợ trên địa bàn quận Bình Thủy. Ông Triệu Công Định, thành viên HTX, bộc bạch: “Nông dân trồng rau màu ở đây luôn tuân thủ quy tắc trồng rau an toàn vì trồng rau không chỉ để bán mà còn là nguồn thức ăn của gia đình”. Tuy nhiên, HTX Rau an toàn phường Long Tuyền vẫn còn thiếu điều kiện bảo quản, vận chuyển an toàn.

HTX Rau an toàn Hòa Phát ở phường Thới An, quận Ô Môn, cung ứng khoảng 2 tấn rau muống/ngày cho thị trường cũng áp dụng những quy tắc trồng rau an toàn nhưng chưa có quy trình xử lý, bảo quản rau đúng yêu cầu. Các xã viên nơi đây đã được tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn và nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, đúng liều lượng và đúng cách để không hại người, hại mình và giữ uy tín cho HTX.

Để hạn chế rủi ro ngộ độc thực phẩm, Chi cục BVTV- Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trên cây trồng cho bà con nông dân. Chi cục chuẩn bị triển khai thực hiện dự án “Xây dựng quy trình sản xuất và sơ chế, đóng gói, bảo quản rau an toàn (hẹ, rau muống và một số rau màu khác)” tại quận Ô Môn, Thốt Nốt và Bình Thủy; triển khai kế hoạch ký cam kết với các cơ sở bán thuốc BVTV và người trồng rau, chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng trên rau. Đồng thời, chi cục cũng kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên các mẫu rau tại các siêu thị, chợ đầu mối và vùng sản xuất rau tập trung.

Đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu. Ngoài việc nâng cao nhận thức của người trồng rau, ngành chức năng cần có nhiều biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất rau an toàn, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết