|
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cái Cui. |
Năm 2008 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cảng Cần Thơ và cảng Cái Cui. Hai cảng này đang từng bước thể hiện vai trò của nhóm cảng trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bước sang năm 2009, cảng Cái Cui và cảng Cần Thơ đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn...
TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC
Năm 2008 nhiều cảng biển gặp khó khăn do tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và những biến động của nền kinh tế trong nước. Đặc biệt, tình hình thời tiết không thuận lợi, mưa bão liên tục xảy ra. Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) cho rằng, ngoài những yếu tố trên, tính cạnh tranh giữa các cảng ở ĐBSCL ngày càng quyết liệt hơn làm cho cảng Cần Thơ gặp không ít khó khăn trong hoạt động.
Để vượt qua khó khăn, ngoài việc tổ chức bốc xếp hàng hóa tại cảng Cần Thơ, Ban Giám đốc cảng Cần Thơ còn chủ động mở rộng phạm vi hoạt động ở các địa phương trong vùng tạo việc làm cho người lao động và tăng thêm nguồn thu cho đơn vị. Năm vừa qua, cảng Cần Thơ đã tổ chức bốc xếp hơn 180.000 tấn clinker tại Kiên Giang. Nhờ đó, góp phần đạt tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2008 hơn 2,8 triệu tấn, tăng hơn 2 lần so với sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2007. Năm qua, cảng Cần Thơ đã tiếp nhận 214 lượt tàu với tải trọng mỗi tàu từ 5.000 tấn trở lên cập cảng trong khi năm 2007 chỉ tiếp nhận 48 lượt tàu cùng tải trọng cập cảng.
Vào thời điểm này, cảng Cái Cui cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch hoạt động năm 2009. Ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc cảng Cái Cui (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), phấn khởi cho biết: “Năm qua, cảng Cái Cui đã bốc xếp được hơn 2,53 triệu tấn hàng hóa các loại, đạt 354% kế hoạch năm và tăng 478% so với tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2007”. Nhờ sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng mạnh nên tổng doanh thu và lợi nhuận của cảng Cái Cui trong năm 2008 đều vượt từ 161% đến 226% so với kết quả hoạt động của năm 2007.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng Cần Thơ và cảng Cái Cui trong năm 2008 tăng rất nhanh so với năm 2007 nhưng chưa bền vững. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua 2 cảng trên chủ yếu là cát nền, gỗ băm (nguyên liệu sản xuất giấy). Tuy nhiên, hai mặt hàng này được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2009 do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và chính sách quản lý khoáng sản của Việt Nam.
CHỦ ĐỘNG VƯỢT KHÓ
Ban Giám đốc cảng Cái Cui đang lập thủ tục thuê thêm khoảng 15 ha đất để mở rộng kho bãi của cảng này. Ngoài ra, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng vừa thông báo vào tháng 6-2009 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một cầu cảng mới dài 200 mét để tiếp nhận tàu có tải trọng đến 20.000 tấn cập cảng. Mặt khác, Tổng Công ty này cũng đã sẵn sàng đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng cho cảng Cái Cui (giai đoạn 1) khi có yêu cầu.
Ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc cảng Cái Cui, nói: “Với các bước chuẩn bị như trên, Cái Cui hội đủ điều kiện để trở thành cảng biển đầu mối của vùng ĐBSCL. Điều chúng tôi mong muốn hiện nay là luồng Định An-cổng hàng hải quốc tế của vùng ĐBSCL cần sớm được khai thông; dự án đào kênh tắt Quan Chánh Bố sớm được triển khai để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nhanh hơn. Mặt khác, giữa các cảng trong vùng hiện nay còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cần được ngồi lại để tạo cơ chế cạnh tranh đúng đắn, cùng phát triển”.
Còn ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, thì cho biết, mục tiêu chính của cảng Cần Thơ trong năm 2009 là ổn định, duy trì hoạt động và từng bước nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Để thực hiện được mục tiêu này, Cảng sẽ tiếp tục sắp xếp lại bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả, cố gắng cắt giảm các chi phí trong sử dụng văn phòng phẩm, điện, nước... Ngoài các giải pháp trên, cảng sẽ tăng cường liên doanh, liên kết với các cảng khác trong khu vực để nâng cao lực đáp ứng nhu cầu tăng nhanh xuất - nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của vùng ĐBSCL khi luồng Định An được khai thông. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cảng Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa của các khu công nghiệp Trà Nóc I và Trà Nóc II. Cảng Cần Thơ sẽ tăng cường liên doanh liên kết nhằm nâng cao năng lực của các cảng Cái Cui, Bình Minh (Vĩnh Long), Hậu Giang, Ô Môn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh xuất nhập khẩu của các khu công nghiệp Hưng Phú 1 và Hưng Phú 2, khu công nghiệp Ô Môn và khu công nghiệp Thốt Nốt thuộc TP Cần Thơ; khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long) và khu công nghiệp Hậu Giang. Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc cảng Cần Thơ, nói: “Cán bộ công nhân viên cảng Cần Thơ luôn động viên thực hiện tốt phương châm xem khách hàng là người trực tiếp trả lương cho mình, nên phải chăm sóc khách hàng chu đáo hơn. Về lâu dài, chúng tôi quyết tâm xây dựng cảng Cần Thơ phát triển xứng đáng là một cảng biển quốc tế của cả khu vực ĐBSCL”.
Những nỗ lực của cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui cho thấy quyết tâm khẳng định vai trò nhóm cảng đầu mối ở khu vực ĐBSCL của hai cảng này. Tuy nhiên, các cảng ở Cần Thơ chỉ khai thác hết công suất và phát huy tốt các nguồn vốn đầu tư khi luồng Định An được khai thông. Khi đó, hàng hóa được xuất khẩu trực tiếp tại Cần Thơ, nông dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được cải thiện tăng thu nhập vì giảm đi gánh nặng chi phí đáng kể để trung chuyển hàng hóa về TP Hồ Chí Minh xuất khẩu.
Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH