Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Đây là cơ sở để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá” và đưa sản phẩm nông nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2030 có 80.000-100.000 DN có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000-4.000 DN có quy mô lớn và 6.000-8.000 DN quy mô vừa. Để hiện thực hóa Nghị quyết 53 cần sự chung sức của nhiều bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là cộng đồng DN cùng hợp lực đưa nông nghiệp Việt phát triển vững chắc.
Hiện nay, nhiều DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã quan tâm và triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% trên tổng số DN cả nước (khoảng 50.000 DN), trong đó DN nông lâm, thủy sản chiếm 1%. Số DN đầu tư vào nông nghiệp có đến 96% là DN nhỏ, siêu nhỏ, chỉ gần 5% DN có chứng nhận VietGAP và tương đương. Nguyên nhân chủ yếu do nội lực DN còn hạn chế cả về nhân lực và tài chính, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học để tăng giá trị gia tăng cho hàng nông sản rất hạn chế. Vì lẽ đó, số DN tham gia vào chuỗi nông nghiệp toàn cầu rất khiêm tốn và phụ thuộc vào các kênh phân phối tiêu thụ của DN nước ngoài. Và dù có 10 nhóm mặt hàng nông, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỉ USD vẫn phải chịu áp lực lớn từ rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, dư địa phát triển nông nghiệp Việt còn rất lớn, vấn đề là chuyển thành cơ hội cần sự hợp lực. Theo Nghị quyết số 53 của Chính phủ, định hướng đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6-8%/năm. Nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu; trong đó DN nông nghiệp đóng vai trò quyết định và là “trụ cột”.
Để hiện thực hóa Nghị quyết số 53, Chính phủ cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và giao các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm thủ tục kinh doanh, tạo sức hấp dẫn DN đầu tư; phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường; hỗ trợ DN xúc tiến mở rộng thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và DN…
Trong các giải pháp này, vốn là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển của DN nông nghiệp. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kết nối ngân hàng – DN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các DN, dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp; đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
GIA BẢO