17/09/2013 - 21:54

THẠNH QUỚI

Hợp lực xây dựng nông thôn mới

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của các cấp chính quyền và người dân xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh đã từng bước đổi thay. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cản ngại làm tiến độ XDNTM của xã trì trệ. Trước tình hình đó, các sở, ngành hữu quan, doanh nghiệp… đã ngồi lại cùng tìm giải pháp đẩy nhanh tiến trình XDNTM ở Thạnh Quới.

Nhận diện khó khăn

Xã Thạnh Quới hiện đạt 10/20 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Những kết quả nổi bật như: xã đã bê-tông hóa 8 tuyến đường giao thông nông thôn với kinh phí trên 8 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước hơn 3,24 tỉ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp; đổ đá núi 18km, kinh phí 45 triệu đồng; xây dựng mới 8 cây cầu bê-tông kinh phí trên 806 triệu đồng… Công tác hỗ trợ hộ nghèo được xã đặc biệt quan tâm thông qua việc xây dựng 65 căn nhà đại đoàn kết; trao trên 500 phần quà cho hơn 500 học sinh nghèo hiếu học, với tổng số tiền khoảng 25,2 triệu đồng. Ngoài ra, xã tập trung xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cho thu nhập cao như: trồng hoa màu trên đê; nuôi cá trên ruộng lúa; nuôi ếch, cá lóc trong mùng…

Để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích nông dân xã Thạnh Quới tham gia mô hình "Cánh đồng lớn".

Quá trình XDNTM, bộ mặt nông thôn Thạnh Quới đã thực sự đổi thay, đời sống mọi mặt của người dân từng bước được cải thiện. Song, theo bà Lê Việt Bích, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, công cuộc XDNTM trên địa bàn xã đã và đang đương đầu với nhiều cản ngại. Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội làm nền tảng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới khá lớn trong khi vốn đầu tư từ ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Mặt khác, diện tích đất công trên địa bàn xã tuy vẫn còn nhưng manh mún, không đạt yêu cầu để xây dựng các công trình công cộng (các thiết chế văn hóa, trường học, nghĩa trang…). Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, lợi ích, coi XDNTM là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, vốn hoàn toàn do Nhà nước hỗ trợ nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình XDNTM tại địa phương.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý XDNTM xã Thạnh Quới tiến hành phân tích nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện các tiêu chí. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người (tiêu chí số 10) còn thấp là do nông dân chưa tiếp cận được với các mô hình sản xuất tiên tiến, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Phần đông người lao động chưa qua đào tạo dẫn đến tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao nên xã chưa hoàn thành tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động. Hiện tỷ lệ lao động có việc làm của xã chỉ đạt khoảng 58% so với 90% tiêu chí đề ra. Tiêu chí số 12 về y tế, mặc dù trên địa bàn xã đã có trạm y tế đạt chuẩn nhưng do chưa được tuyên truyền sâu rộng nên tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện còn thấp… Dựa vào những phân tích trên, xã Thạnh Quới đề ra các giải pháp hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, như: phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu khi tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Tạo lực đẩy

Với vai trò là Thành ủy viên trực tiếp chỉ đạo XDNTM xã Thạnh Quới, mới đây, trong buổi làm việc với xã về tình hình XDNTM, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, cho rằng: "Trước mắt, Thạnh Quới ưu tiên hoàn thành các tiêu chí quan trọng, bức xúc như: tập trung hoàn thiện hệ thống cầu (tiêu chí số 2 về giao thông), đầu tư xây dựng chợ Láng Sen (tiêu chí số 7 về chợ nông thôn) và đẩy mạnh phát triển sản xuất (tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất). Đây là những tiêu chí có tính chất "mở đường" để hoàn thành các tiêu chí khác, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương". Tại cuộc họp, các đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ đầu tư phát triển thành phố, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Cổ phần Cơ khí Điện máy Cần Thơ…) đã cùng ngồi lại bàn giải pháp, tìm hướng hỗ trợ xã hoàn thành các tiêu chí nói trên.

Đối với việc xây cầu nông thôn, Công ty Cổ phần Cơ khí Điện máy Cần Thơ phối hợp với xã tiến hành rà soát nhu cầu, tính toán chi phí, sớm hoàn thành thủ tục để tiến hành xây dựng tại ấp Qui Lân 1, Qui Lân 3 trong năm 2013 và Qui Lân 7, Lân Quới 2 trong năm 2014. Về tiêu chí chợ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ đầu tư phát triển thành phố thực hiện quy hoạch dài hạn theo hướng phát triển chợ gắn với khu phố thương mại. Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ liên kết chặt chẽ với xã, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ông Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: "Với thế mạnh đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, như: chăn nuôi, thủy sản và sản xuất lúa hàng hóa…, trường sẽ phối hợp với xã tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi cá lóc, ếch; sản xuất lúa giống; tìm hiểu nhu cầu lao động để có hướng đào tạo nguồn nhân lực hợp lý…".

Theo nhận định của ngành nông nghiệp địa phương, với diện tích đất nông nghiệp trên 3.150 ha, trong đó có hơn 2.960 ha đất lúa, xã Thạnh Quới cần có sự đầu tư thỏa đáng cho cây lúa nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân. Theo đó, xã phải tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn liền sản xuất với tiêu thụ theo nhu cầu thị trường. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục giữ vai trò kết nối doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Gentraco) với nông dân nhân rộng mô hình "Cánh đồng lớn". Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: "Trên địa bàn xã Thạnh Lợi, Gentraco đã hình thành "Cánh đồng lớn" quy mô 200ha ở ấp Quy Lân 7. Hiện Gentraco đã liên kết với công ty phân bón Bình Điền, Công ty Tân Thạnh cung ứng vật tư đầu vào cho các "Cánh đồng lớn". Vì vậy, Gentraco không giới hạn trong việc mở rộng diện tích. Tuy nhiên, cần phải tập hợp nông dân lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã dưới sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương. Có như vậy, liên kết thành công...".

Thực tế cho thấy, chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM còn khá mới mẻ, nên trong giai đoạn đầu tiếp cận, Thạnh Quới không thể tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ và vấp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm của địa phương; sự hợp lực từ phía các sở ngành hữu quan, doanh nghiệp, tin rằng những vướng mắc sẽ được tháo gỡ, đồng thời tạo bước đột phá, đưa công cuộc XDNTM của xã sớm về đích.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết