15/11/2014 - 16:20

Hồn quê trong các điệu lý Đồng bằng sông Cửu Long

Trong kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam, dân ca có một vị trí quan trọng. Dân ca khắp ba miền Bắc Trung Nam có lịch sử hình thành khá lâu đời và dân ca Tây Nam bộ là một bộ phận của dân ca Nam bộ, có nguồn gốc từ những khúc hát cung đình (ngũ cung) lan ra giao thoa với ca hát dân gian (hát dâng bông, bóng rỗi) rồi biến hóa, linh động từ nội dung và hình thức, cô đặc lại, cấu thành món “đặc sản” tinh thần của người bình dân.

Tây Nam bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được tiền nhân khai mở sau cùng trong quá trình Nam tiến. ĐBSCL với địa hình thấp, mênh mang sông nước, vừa có biển lớn nhiều cá tôm, vừa có đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, vườn tược xanh tươi, ở phía Tây Nam còn có núi non hùng vĩ. Cư dân ĐBSCL xưa nay được tiếng hiền lành, chân thật, cần cù, nhân nghĩa rạch ròi, cởi mở, hiếu khách và có lối sống thích nghi, sáng tạo. Dân ca Tây Nam bộ hầu như phản ánh hầu hết các nội dung trên.

Thông thường, nói đến sinh hoạt ca hát dân gian vùng ĐBSCL, nhiều người hình dung đến chiếu đờn ca tài tử, hoặc những bài bản vọng cổ giữa mênh mang sông nước. Nhưng sẽ là thiết sót nếu bỏ qua những điệu hò, hát ru và đặc biệt là các điệu lý xuất hiện khá nhiều trong sinh hoạt văn hóa dân gian và thường được dùng như một chất liệu để làm phong phú thêm các bài bản vọng cổ hay các vở cải lương. Lý là những khúc hát ngắn gọn với nhịp điệu phong phú và sinh động. Lời hát của lý đa phần có vần điệu dễ nhớ nhưng khác với ca dao, hò, vè ở chỗ lý mang tính nhạc (hát), trong khi ca dao, hò, vè mang thuộc tính của thi ca (thơ). Các bài lý tiêu biểu, đại diện cho dân ca của các “miệt”, địa phương miền Tây Nam bộ như: Lý ngựa ô, Lý Cái Mơn, Lý cây bông, Lý con sáo Gò Công (Lý con sáo sang sông), Lý con sáo Bạc Liêu, Lý quạ kêu, Lý chiều chiều, Lý bông dừa, Lý Năm Căn, Lý Ba Tri, Lý tòng quân, Lý Mỹ Hưng, Lý kéo chài, Lý qua cầu… Các bài lý có nhịp điệu sinh động nhưng vẫn giữ sự chân chất mộc mạc, pha chút cảm giác mênh mông của hò. Lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn; phần âm điệu mạch lạc, nhất quán, không cầu kỳ. Mỗi bài lý cũng có thể có nhiều lời ca, soạn giả có nhiệm vụ quan trọng là làm sao cho lời ca mượt mà đi vào lòng người, hòa quyện với giai điệu.

 Các em nhỏ đến từ Bến Tre hát Lý cây ổi tại Liên hoan Dân ca toàn quốc – khu vực Nam bộ 2013
ở Long An. Ảnh: DUY KHÔI

Cũng như âm điệu, mỗi điệu lý đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất, ca ngợi những đức tính, thiên nhiên tươi đẹp, hoặc oán trách nhau, hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào… Nghiên cứu về dân ca Tây Nam bộ, người ta thấy rằng hầu như đa phần trong các điệu lý đều có hình bóng con sông, bến nước, làng quê và những làn điệu trữ tình tha thiết ấy luôn chứa đựng tình cảm nhớ quê hương, nhớ về ký ức lứa đôi nơi quê nhà. Ví dụ như lời ca trong bài “Lý Cái Mơn”:

Đàn cò bay về nơi thương nhớ

Nhớ bến sông xưa in hình bóng của người yêu...

... Sắc hương hoa đôi bờ sóng vỗ tình quê

Có hay chăng thuyền xa bến

bến trông thuyền về

Thuyền tình ơi hãy chờ đợi ta

bao tháng năm trôi qua

Nhưng người xưa vẫn luôn ngóng đợi tình chung

Không gian làng quê hiện ra thơ mộng, lãng mạn với nỗi hoài niệm man mác. Hay trong bài “Lý qua cầu”:

Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành

Như mọi ngày dòng sông với con đò mong manh…

Bài Lý qua cầu cũng nói về một mối tình trên dòng sông, bến nước có cô lái đò và người lữ khách. Và chuyện tình ấy có kết cuộc dang dở, buồn tênh! Một bài lý nữa cũng gắn liền với sông nước- “Lý bông dừa”:

Sông dài còn chảy xuôi theo dòng

Mà sao xa vắng em tôi biết tìm nơi đâu

Dòng sông còn chứa chan ân tình

Nay dang dở tình đầu ta còn gắn đợi ai…

Tóm lại, các điệu lý ĐBSCL thường nghe mượt mà, dễ thương với vần điệu, lời ca giàu chất trữ tình, mang nhiều nỗi niềm hoài niệm quê hương, tình yêu, làng quê, dòng sông bến nước. Do đó các điệu lý thường khá dễ hát, dễ biểu diễn và cũng dễ đi sâu vào lòng người. Lý cũng như nhiều thể loại dân ca cổ nhạc khác đã in sâu vào lòng người đồng bằng, từ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam. Ngày nay các điệu lý là một bộ phận không thể thiếu được trong biểu diễn dân ca cổ nhạc. Những điệu lý với lời ca đẹp; nghệ sĩ - nghệ nhân biểu diễn đúng chất luôn được người thưởng thức trân trọng và mến mộ.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết