29/03/2021 - 10:51

Hồi hộp, căng thẳng với “Chiến dịch Hoa Kim Tước” 

“Chiến dịch Hoa Kim Tước” (NXB Hội Nhà văn) của Ðại sứ Phạm Sanh Châu, kể về quá trình đưa hàng trăm người dân Việt Nam kẹt tại Ấn Ðộ vì COVID-19 về nước an toàn vào năm 2020. Cuốn sách cho thấy hành trình dài đầy chông gai và chan chứa tình người, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác ngoại giao.

Tác giả Phạm Sanh Châu là Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Ðộ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan. Mở đầu tác phẩm, ông giới thiệu khái quát về quá trình công tác của mình tại Ấn Ðộ, những thành tựu và dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Ấn, hé lộ công việc và đời sống của những người làm ngoại giao, đặc biệt là bối cảnh Ấn Ðộ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cho đến khi COVID-19 lây lan trên diện rộng tại đất nước Nam Á tỉ dân này, Ðại sứ quán đã tổ chức thành công chuyến bay đưa 226 công dân Việt Nam về nước vào sáng 22-3-2020, vừa vặn trước giờ G tạm ngừng các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Ấn Ðộ. Chỉ 2 ngày sau Ấn Ðộ tiến hành cách ly toàn xã hội. Từ đây, nhiều người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ấn Ðộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn; hàng trăm người liên hệ với Ðại sứ quán để đăng ký bảo hộ quyền công dân và số người xin được về nước tăng một cách chóng mặt. Chiến dịch Hoa Kim Tước được tiến hành và đó là một nỗ lực phi thường của Ðại sứ quán Việt Nam trong việc giải cứu công dân bị mắc kẹt tại xứ Ấn.     

Hơn 6.500 cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Ðộ, cùng vô số tình huống nan giải mà tập thể 31 cán bộ tham gia chiến dịch đã trải qua để hoàn thành sứ mệnh. Từ khi bắt đầu thủ tục xin phép tổ chức chuyến bay đến khi chuyến bay được chấp thuận thì muôn vàn khó khăn nảy sinh. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để bà con di chuyển được từ 22 bang trên toàn lãnh thổ rộng lớn của Ấn Ðộ đến New Delhi trong khi mọi phương tiện công cộng và đường hàng không đều bị phong tỏa. Ðại sứ quán đã chia công dân thành 13 nhóm theo từng khu vực, mỗi “cánh quân” do một cán bộ sứ quán phụ trách từ xa qua email và group chat, tổ chức đưa họ về Thủ đô New Delhi bằng các loại phương tiện khác nhau, làm việc với các cơ quan liên quan của Ấn Ðộ để lo mọi loại giấy tờ thông hành, gia hạn visa, cứu trợ lương thực, thực phẩm… Ðặc biệt có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền để đi lại và lo các thủ tục, chi phí đã được hỗ trợ bằng nguồn đóng góp của các thành viên của Ðại sứ quán và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Sau hơn 2 tháng sát cánh và đồng hành cùng bà con, ngày 19-5, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, chuyến bay giải cứu người Việt tại Ấn Ðộ đã cất cánh và đưa 339 công dân về nước an toàn.  

Hình ảnh cuối cùng của chiến dịch này càng làm người đọc cảm động là những thành viên của Ðại sứ quán đã hỗ trợ các công dân của mình suốt 7 tiếng đồng hồ để làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay, giải quyết những rắc rối phát sinh; quý hơn hết là những suất cơm nắm muối vừng do sứ quán chuẩn bị, giúp bà con chống đói trong thời gian chờ làm thủ tục tại sân bay.

Phần cuối của cuốn sách là những bức thư tri ân của các công dân được giải cứu từ chiến dịch gửi đến Ðại sứ quán với những lời tâm tình, cảm ơn tận đáy lòng.

Sau chiến dịch, Ðại sứ quán còn tổ chức thêm 3 đợt nữa đều mang tên các loài hoa tượng trưng của các đất nước mà công dân Việt Nam đang mắc kẹt. Mỗi chiến dịch có một bối cảnh khác nhau, con người khác nhau và trải nghiệm khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích: “Không để ai bị bỏ lại phía sau!”. 

CÁT ÐẰNG    

Chia sẻ bài viết