15/10/2023 - 09:18

Hoạt hình Malaysia phát triển mạnh 

Mỹ, Nhật Bản được biết đến là những quốc gia sản xuất phim hoạt hình lớn nhất thế giới. Pixar, Walt Disney, Dreamworks, Toei Animation, Ghibli Studio... là những hãng phim danh tiếng, lâu đời tại những quốc gia này với hàng loạt phim thành công. Gần đây, có thêm ngành công nghiệp hoạt hình Malaysia gây chú ý với sự phát triển vượt bậc.

Tại Giải Anime Tokyo (TAAF) 2023, loạt phim hoạt hình “Mechamato” (ảnh) của Malaysia đã làm nên lịch sử khi trở thành phim hoạt hình không phải của Nhật Bản đầu tiên chiến thắng giải thưởng Anime Fan Award. “Mechamato” đã vượt qua hơn 50 đối thủ để có được chiến thắng này với hơn 40.590 phiếu bầu. Chiến thắng của “Mechamato” rất ý nghĩa với ngành công nghiệp phim hoạt hình Malaysia, khởi đầu cho việc đưa phim hoạt hình đến thế giới nhiều hơn. “Mechamato” hiện được công chiếu ở hơn 70 quốc gia, trong đó có: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ...

Thực tế, nếu so với Mỹ và Nhật, thì ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia được xem là vẫn còn ở giai đoạn sơ khai; nhưng tốc độ phát triển đang khiến nhiều người ngạc nhiên. Theo thống kê từ Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MDEC), ngành hoạt hình ở Malaysia có trị giá 187,7 triệu USD vào năm 2016 với chỉ hơn 3.000 lao động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện nay Malaysia có hơn 100 hãng phim, sản xuất hơn 20 IP gốc (tài sản trí tuệ) và đưa các tác phẩm này đến hơn 120 quốc gia. Trong đó, trung tâm sản xuất Cyberjaya của Malaysia có công nghệ không thua kém so với các trung tâm sản xuất tại Los Angeles, Tokyo. Sự thay đổi mạnh mẽ của ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia xuất phát từ việc đầu tư đúng đắn cho công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực này. Malaysia đã sử dụng công nghệ hiện đại và các nền tảng trực tuyến để thử nghiệm các phim hoạt hình ngắn, như: “Hikayat Sang Kancil”, “Sang Kancil & Monyet”, “Sang Kancil & Buaya”, “Arnab yang Sombong”, “Gagak yang Bijak”, “Singa yang Haloba” tiếp cận khán giả toàn cầu. Từ đó giúp cho ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia thâm nhập thị trường toàn cầu thuận lợi hơn.

Chính phủ Malaysia dành nhiều nguồn lực khuyến khích phát triển hoạt hình có nội dung địa phương. Sự ra đời của MDEC đã hỗ trợ hiệu quả việc kết nối sản xuất và xuất khẩu nội dung địa phương ra quốc tế. Hàng loạt phim hoạt hình Malaysia tạo được dấu ấn quốc tế ở giai đoạn này, như: “The Amazing Awang Khenit” của hãng Sead Studios, “Upin & Ipin” của Les Copaques Production. Trong đó, “Upin & Ipin” đã tạo ra hiện tượng tại Malaysia và châu Á, tạo đà ra đời bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên “Upin & Ipin, Geng: Penggembaraan Bermula”. Đây là phim hoạt hình Malaysia thành công nhất vào thời điểm đó với doanh thu phòng vé là 6,2 triệu RM. Tiếp đó, “Boboiboy” của Animonsta Production cũng tạo được dấu ấn riêng. Bản điện ảnh “BoboiBoy Movie 2” được phát hành đồng thời tại Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore. “BoboiBoy Movie 2” trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từng được ghi nhận tại Malaysia với doanh thu phòng vé là 29,6 triệu RM (tương đương 7,3 triệu USD).

Ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia thực sự còn mới nhưng đã tạo sức hút với những dấu ấn riêng. Sự phát triển mạnh mẽ đó nhờ các chiến lược đúng đắn cho nội dung gốc và công nghệ kỹ thuật số. Việc tạo ra sở hữu trí tuệ riêng đã giúp ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia có được chỗ đứng với bản sắc riêng ở môi trường cạnh tranh quyết liệt ở quốc tế.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Aseanrecords.world, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết