Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn chiều 14-5 đã bị cảnh sát kéo ra khỏi máy bay và đưa về đồn thẩm vấn chỉ ít phút trước khi máy bay của hãng Air France cất cánh rời phi trường quốc tế Kennedy (Mỹ) đi Paris (Pháp).
Số là ông Strauss-Kahn bị cáo buộc đã cưỡng dâm một nữ nhân viên dọn buồng tại khách sạn Sofitel sang trọng ở New York vào trưa cùng ngày. Nạn nhân 32 tuổi cho biết cô đã chống cự quyết liệt và thoát được ra ngoài, sau đó kể lại sự việc với các đồng nghiệp và họ thông báo cho nhà chức trách. Khi cảnh sát đến nơi thì ông Strauss-Kahn đã rời khách sạn nhưng bỏ quên điện thoại di động. Từ chi tiết này, cảnh sát nhận định đối tượng chắc hẳn ra đi một cách vội vã nên lập tức đề nghị an ninh sân bay chặn lại. Vài giờ sau đó, ông Strauss-Kahn đã bị buộc tội tấn công tình dục, âm mưu cưỡng hiếp và giam giữ người trái phép. Trong khi đó, luật sư đại diện cho người đứng đầu IMF cho biết ông Strauss-Kahn sẽ tuyên bố vô tội.
Đây không phải là lần đầu tiên vị cựu bộ trưởng tài chính Pháp gặp rắc rối liên quan tới phụ nữ. Hồi năm 2008, ông từng bị điều tra xung quanh cáo buộc có quan hệ trên mức bình thường với một thuộc cấp. Trong vụ này, dù hai bên đồng lòng chứ không phải do sếp Strauss-Kahn dùng quyền hành để ép buộc nhưng cuối cùng ông cũng phải gởi thư xin lỗi các nhân viên, còn “người kia” thì rời IMF sang đầu quân cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.
Nói rằng ông Strauss-Kahn gặp họa vô đơn chí là vì cũng vào tuần rồi, báo chí châu Âu đã đăng tải hình ảnh ông tươi cười bên chiếc Porsche Panamera đắt tiền (có giá hơn 100.000 euro). Họ đặt vấn đề liệu như vậy có phù hợp đối với một ứng viên tiềm năng của đảng Xã hội trong cuộc đua vào Điện Élysée tháng 5 năm tới hay không. Điều đáng nói là siêu xe đó của một người bạn chứ không phải do ông sở hữu.
Vị giám đốc điều hành 62 tuổi này đang được xem là ngôi sao sáng giá nhất cho chiếc ghế tổng thống Pháp, dù tới thời điểm này ông vẫn chưa tuyên bố có ra tranh cử hay không. Trong thời gian làm lãnh đạo IMF (từ cuối năm 2007), ông Strauss-Kahn nổi lên như một người hùng vì đã nâng cao vị thế của định chế tài chính quốc tế gồm 187 quốc gia thành viên này trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008. Gần đây hơn, các gói cứu trợ của IMF cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã giúp ngăn chặn không để cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu làm mất ổn định nền kinh tế toàn cầu.
Có thể nói ông Strauss-Kahn đã “gặp thời” khi về IMF, nhưng lại không may khi vào thời điểm nhạy cảm hiện nay lại liên tiếp gặp những chuyện không hay.
LÊ DÂN