30/03/2024 - 10:43

Hỗ trợ đảm bảo giảm nghèo bền vững 

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều hộ nghèo trên địa bàn TP Cần Thơ vui mừng đón nhận niềm vui an cư khi Ủy ban MTTQVN thành phố tổ chức lễ khởi công xây dựng 100 căn nhà Đại đoàn kết, từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ và Quỹ Vì người nghèo thành phố. Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, việc triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết giúp hộ nghèo có nhà ở ổn định, an tâm lao động, sản xuất, đảm bảo cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ gặp khó khăn về nhà ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn.

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND của UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025. Thông qua các chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ với mức cụ thể theo quy định về xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt. Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, đề nghị các ngành, các cấp chính quyền địa phương căn cứ số hộ nghèo được công nhận theo kết quả rà soát năm 2024 phối hợp khảo sát nhu cầu, điều kiện thực tế để kịp thời xem xét hỗ trợ hộ nghèo được thụ hưởng chính sách, hạn chế tình trạng chọn sai hay để lọt, sót đối tượng. Khi kế hoạch này được triển khai thực hiện bài bản, khả thi, sẽ có nhiều hộ nghèo trên địa bàn thành phố được hỗ trợ một hay đồng thời các chính sách nêu trên để cải thiện điều kiện sinh hoạt thiết yếu. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời, gắn với hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hay đô thị văn minh tại các xã, phường, thị trấn. Muốn vậy, vai trò cán bộ ngành, đoàn thể cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác hộ nghèo được thụ hưởng.

Quan tâm tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững là mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố từng giai đoạn. Các ngành, các cấp chính quyền tập trung nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội. Hằng năm, nhiều chính sách trợ giúp về nhà ở, dạy nghề, y tế, giáo dục, vay vốn… được triển khai đồng loạt tại các quận, huyện, giúp hộ nghèo từng bước nâng cao mức sống. Chị Trương Thị Ức ở khu vực Phúc Lộc 3, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, hộ mới thoát nghèo cuối năm 2022, bày tỏ: “Những năm qua, gia đình tôi từng được hỗ trợ xây nhà ở khang trang, vay vốn trồng rau màu, bán điểm tâm, giúp tăng thu nhập. Nhờ vậy, đời sống gia đình ngày thêm khởi sắc”.   

Năm 2023, thành phố nỗ lực duy trì 31 mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, với gần 300 hộ tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, thành phố tiếp tục nhân rộng và xây dựng thêm các mô hình sinh kế, giảm nghèo, chú trọng kết hợp các hình thức dạy nghề gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất… Trong đó, nổi bật huyện Thới Lai đang duy trì hoạt động 10 mô hình sinh kế, giảm nghèo, phối hợp đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề phù hợp, mở rộng sản xuất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi trên 2,9 tỉ đồng, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định. Huyện tiếp tục chỉ đạo mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình sinh kế, giảm nghèo và có kế hoạch nhân rộng. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 0,21% và phấn đấu còn 0,15% cuối năm 2024.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, song song triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, các quận, huyện chú trọng tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND, trong đó, nhấn mạnh các chính sách để người dân kịp thời nắm bắt, hiểu biết, đồng thuận trong triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp rà soát, tổng hợp chính xác số hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị quyết. Qua đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng của hộ nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong xu thế phát triển và hội nhập.

Bài, ảnh: MAI THY

Chia sẻ bài viết