14/06/2017 - 21:59

Đồng bằng sông Cửu Long

Hợp tác nghiên cứu, phát triển giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Vừa qua tại TP Cần Thơ, đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu giống từ Viện Khoa học Việt Nam (VAAS), Trường Đại học Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 5 tỉnh vùng ĐBSCL (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và An Giang) cùng với các đối tác là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống, nông dân chọn tạo giống ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Xây dựng mạng lưới đối tác nghiên cứu phát triển lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại ĐBSCL. Đây là một trong những nội dung và mục tiêu chính của Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP - 2007 đến 2018) nhằm hỗ trợ, xây dựng mạng lưới các cơ quan và tổ chức nghiên cứu về các giống lúa chịu hạn, mặn do cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp Cục Trồng trọt, VAAS tổ chức thực hiện.

Cần giống lúa chịu hạn, mặn

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ICMP, cho biết: ICMP cùng với Viện Khoa học Việt Nam, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) đồng hành với 5 Sở NN&PTNT ở ĐBSCL để khai thác tối đa các nguồn lực và hỗ trợ, củng cố hợp tác đa phương giữa các cơ quan nhằm phát triển bộ giống lúa chịu hạn mặn tốt, chuyển giao cho nông dân và cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, ICMP còn đưa vào ứng dụng các phương thức sản xuất, canh tác khoa học, góp phần ổn định sinh kế cho người dân vùng ven biển, tiến tới phát triển mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH tại ĐBSCL.

Nông dân chọn giống lúa sản xuất trong điều kiện thích ứng BĐKH.

Những năm qua ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhà nước đã có những giải pháp kịp thời, như: các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, nông dân để bù đắp những thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhưng, tác động BĐKH khiến môi trường sản xuất tự nhiên thay đổi. Do đó, để tìm giải pháp giúp sản xuất lúa thích ứng trong điều kiện mới và phát triển bền vững, trong khuôn khổ Chương trình ICMP đã có những hoạt động hỗ trợ phát triển nghiên cứu về các giống lúa chống chịu thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với điều kiện ĐBSCL.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: Hiện tượng El-nino vào năm 2015 và kéo dài hơn nửa năm 2016 đã khiến hàng trăm héc - ta lúa vùng ĐBSCL bị chết hoặc giảm năng suất do hạn và xâm nhập mặn. 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng của ngành trồng trọt âm và thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Việt Nam đã mất đi khoảng 1,3 triệu tấn lúa. Theo đó cuộc sống của hàng vạn hộ nông dân ở các vùng ven biển ĐBSCL bị đảo lộn. Với tốc độ và diễn biến BĐKH được nhận định là xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn dự báo, nếu không nhanh chóng có các giải pháp thích ứng thì hàng triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói. Vì vậy, việc hình thành một mạng lưới cùng nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn giống lúa chịu mặn có các đặc tính ưu việt khác về năng suất, chất lượng để có những lựa chọn nhanh hơn, bền vững hơn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng là một cách làm hữu hiệu. Bởi cách làm này dựa trên việc đánh giá của chính người sản xuất và các địa phương.

Từ thực tiễn đến nghiên cứu

TS Đào Thế Anh, Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm, cho rằng: Hiện nay, đa số các giống lúa sử dụng phổ biến trong vùng ĐBSCL chủ yếu chịu mặn đến mức 3-4‰, chưa đáp ứng được nhu cầu của khuyến nông và sản xuất. Một số giống lúa chịu mặn ở mức cao hơn 4‰ đang trong giai đoạn nghiên cứu và thiếu các đánh giá thực địa về tính phù hợp với các điều kiện mặn và hạn rất đa dạng của từng địa phương. Bên cạnh đó, các giống lúa chịu mặn cũng đòi hỏi có chất lượng khá để có thể thương mại hóa trên thị trường. Một số giống bản địa có thời gian canh tác trong các khu vực ngập mặn lâu đời có khả năng chịu mặn khá, chất lượng gạo tốt. Tuy vậy, giống đã bị lẫn, thoái hóa, cho năng suất thấp. Các giống này có thể sử dụng là nguồn gen phục vụ chọn tạo giống hay phục tráng lại. Một số giống do nông dân tự chọn có khả năng chịu mặn khá. Tuy nhiên, nông dân hạn chế về tài chính để có thể công nhận và phổ biến giống.

Trong khi đó thực tiễn từ quá trình canh tác lúa vùng ven biển Sóc Trăng cho thấy nông dân linh hoạt trong việc chọn gieo trồng những giống lúa có khả năng thích nghi, chịu mặn mà vẫn đảm bảo năng suất cao, chất lượng gạo ngon cơm. Lúa có giá bán khá cao trên thị trường. TS Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Sóc Trăng, dẫn chứng: Các giống lúa phổ biến đang được nông dân Sóc Trăng sử dụng như: OM4900, OM5451, OM7347, RVT, OM6976, ST5, ST20, LP5… Đây là những giống lúa có khả năng kháng chịu mặn khá, năng suất cao, chất lượng tốt và đang được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đầu tư nhiều công trình nghiên cứu chọn tạo và nhân giống cây trồng đạt kết quả khả quan. Trong đó nổi bật là thành tựu sau hơn 20 năm nghiên cứu của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua về chọn tạo cho ra đời hàng chục giống lúa ST chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo thơm ST nổi tiếng như: ST1, ST3 có mùi thơm như mùi dứa. Bên cạnh đó còn có các giống lúa thơm khác như: Đỏ 06, Đỏ 11, Đỏ 156 bằng đột biến và chọn lọc; các giống ST đỏ, ST tím, ST16, ST19 và ST20… được chọn bằng phương pháp lai tích lũy nhiều bố mẹ có sự tham gia của lúa đột biến. Các giống lúa này đều không phản ứng ánh sáng ngày ngắn, khả năng kháng mặn khá, ở mức 3‰; hạt gạo rất dài và thon, cơm mềm rất thơm.

ICMP hỗ trợ và hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL sau khi khảo sát đã xây dựng một bức tranh tổng thể về tình hình sản xuất các giống lúa trong vùng và xác định các đối tác chính trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm các giống lúa chịu mặn, hạn. Qua đó, thẩm định các đề xuất hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm các giống lúa chịu hạn, mặn tại các tỉnh thuộc chương trình ICMP. Trên cơ sở đó Bộ NN&PTNT, ICMP và các đối tác khác cùng phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực phát triển lúa; hệ thống lại các bộ giống chịu hạn mặn ở ĐBSCL và chia sẻ thông tin, liên kết với các đối tác liên quan để đạt được hiệu quả tối đa trong việc phát triển lúa chịu mặn, hạn; đồng thời làm cơ sở cho các đề xuất chính sách hỗ trợ và phổ biến giống lúa đến nông dân.

ThS. Phạm Trung Kiên - Viện Lúa ĐBSCL:

Xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 340.000ha đất lúa

Do xâm nhập mặn từ cuối năm 2015 đến nay nhiều vùng sản xuất lúa bị ảnh hưởng. Vụ thu đông 2015 có 90.000ha lúa bị ảnh hưởng năng suất, trong đó có 50.000ha bị thiệt hại nặng; vụ đông xuân 2015-2016 có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, chiếm 11% diện tích gieo trồng của 8 tỉnh vùng ven biển ĐBSCL. Dự kiến, thời gian tới diện tích đất lúa có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tăng lên khoảng 340.000ha, chiếm 35,5% diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết