12/11/2019 - 09:02

Hiểu đúng về tự kỷ ở trẻ em  

Hiện nay, trẻ bị tự kỷ ngày càng tăng, trong khi đội ngũ thầy thuốc, giáo viên can thiệp đều thiếu... khiến cho các gia đình có trẻ bị tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ.

Can thiệp sớm, giúp trẻ hòa nhập tốt hơn

Ngày 19-9-2019, Phòng khám tâm lý, rối loạn hành vi ở trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ khai trương, và ngay ngày đầu tiên đã quá tải. Mẹ cháu N.D.K, 8 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang, kể: “Gần 7 tuổi, cháu mới nói được. Đưa cháu đi học mẫu giáo, cô giáo không nhận vì cháu không biết nói, nghịch ngợm, cô không quản được. Đầu năm học này, gia đình cho cháu đi học lớp 1, cô giáo nhận thấy có những biểu hiện khác thường nên yêu cầu phụ huynh đưa cháu đi khám. Trước đây, tôi đưa cháu đi khám nhưng bác sĩ chỉ nói lưỡi cháu bị to, chậm nói. Gia đình khó khăn, nên không có điều kiện đưa cháu lên TP Hồ Chí Minh khám. Mới đây, nghe BVNĐ TP Cần Thơ có khám, gia đình sắp xếp đưa con đi ngay”.

Bác sĩ BVNĐ TP Cần Thơ trao đổi với phụ huynh và trẻ.

Cùng cảnh ngộ, ông ngoại cháu N.T.Đ, ở tỉnh Kiên Giang, nói: “Thấy con chậm nói, cha mẹ nó đưa đi khám ở y tế địa phương, bác sĩ chỉ nói cháu bị chậm nói, não chậm phát triển và cho toa thuốc uống. Hết thuốc, đi khám lần 2, lấy toa cấp thuốc tiếp, không khám gì nên gia đình không đi khám nữa mà đưa cháu lên BVNĐ TP Cần Thơ. Ở nhà, cháu chậm nói, ít quậy phá nhưng chăm sóc cháu cũng vất vả lắm”.

Các bác sĩ cho biết, thuật ngữ chuyên ngành gọi tự kỷ là rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là tự kỷ), chỉ 1 nhóm các rối loạn phức tạp của não bộ, gây ra khó khăn trong giao tiếp xã hội. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ trẻ bị tự kỷ chiếm 1/59 trẻ được sinh ra. Trong đó, nam cao gấp 4-5 lần nữ. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu gia đình có 1 bé tự kỷ thì xác suất bé thứ 2 bị dao động từ 2-18%. Trong thực tế, có gia đình có đến 2 trẻ đều bị tự kỷ. 

Thạc sĩ bác sĩ Trần Thiện Thắng, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, chuyên khoa tâm lý và hành vi, cho biết: “Gần đây xã hội ngày càng quan tâm đến các vấn đề tâm lý và hành vi, sự hiểu biết về rối loạn phổ tự kỷ cũng ngày càng tăng nên trẻ tự kỷ được phát hiện và chẩn đoán nhiều hơn. Đến nay, chưa có cách điều trị dứt điểm, nhưng các biện pháp can thiệp có thể giúp trẻ phát triển và hòa nhập tốt”. Theo Thạc sĩ bác sĩ Trần Thiện Thắng, rối loạn rất khác biệt ở mỗi trẻ, từ biểu hiện đến mức độ nên việc can thiệp, trị liệu phải được đánh giá, lên lộ trình và chiến lược riêng cho từng trẻ. Thời gian can thiệp kéo dài và thường được đánh giá điều chỉnh theo sự phát triển của trẻ hoặc khi trẻ xuất hiện hành vi mới. Gia đình cần xác định những khó khăn, mới có thể đồng hành, giúp trẻ phát triển, hòa nhập tốt. 

“Trường hợp trẻ tự kỷ có khiếm khuyết trí tuệ đi kèm sẽ hạn chế rất nhiều và khó bắt kịp các bạn cùng trang lứa trong hầu hết các lĩnh vực. Điều quan trọng với một đứa trẻ là sự hạnh phúc chứ không phải làm được những điều trẻ khác làm được. Vì vậy, phụ huynh nên tập trung vào dạy những gì trẻ cần chứ không phải dạy những gì phụ huynh muốn. Không nên so sánh trẻ tự kỷ với trẻ khác, điều quan trọng là giúp trẻ hòa nhập và phát triển phù hợp với năng lực của trẻ. Nhiều trẻ rối loạn phổ tự kỷ được can thiệp tốt có thể giao tiếp, hòa nhập gần như trẻ bình thường”- Thạc sĩ bác sĩ Trần Thiện Thắng nói.

Cần sự đồng cảm và chia sẻ 

Tivi, điện thoại có phải là “thủ phạm” của tự kỷ?

Nhiều người lầm tưởng rằng xem tivi, sử dụng điện thoại nhiều khiến trẻ bị tự kỷ. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là yếu tố góp phần làm tăng triệu chứng của rối loạn. Đến nay, đa số ý kiến cho rằng đây là một rối loạn đa nhân tố có sự ảnh hưởng phức tạp giữa gen và môi trường.

Hiện chưa có cách phòng tránh hoàn toàn rối loạn phổ tự kỷ, nhưng có thể dự phòng các yếu tố nguy cơ như tránh mang thai khi lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi, khoảng cách giữa các lần sinh dày, trầm cảm trước và sau sinh, khói thuốc lá… Và quan trọng nhất, gia đình nên quan sát, nếu trẻ có các dấu hiệu nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ như chậm nói thì nên đưa đi khám để được chẩn đoán và can thiệp sớm.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị tự kỷ gồm: can thiệp sớm (đặc biệt là trước 3 tuổi); nhà chuyên môn; gia đình; mức độ tự kỷ và các rối loạn khác đi kèm. Do đó, can thiệp cho trẻ tự kỷ nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Ở các nước phát triển, can thiệp cho trẻ được thực hiện rất sớm, ngay khi trẻ bị nghi ngờ là có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, thậm chí gần đây nhiều tác giả đề xuất “can thiệp dự phòng” cho những trẻ có nguy cơ cao.

Những dấu hiệu cho thấy nguy cơ trẻ có rối loạn phổ tự kỷ gồm: 9 tháng tuổi trẻ không đáp ứng khi được gọi tên, 12 tháng chưa biết bập bẹ hoặc chưa biết chỉ bằng ngón trỏ, 16 tháng tuổi chưa nói được từ đơn, 24 tháng tuổi chưa nói được từ đôi hoặc bị chậm nói ở bất kỳ lứa tuổi nào. Những bất thường khác như: trẻ không nói nhưng đôi lúc tự nói một câu dài hoặc nói từ vô nghĩa; không khoe đồ chơi với bố mẹ; không nhìn thẳng mắt người đối diện; không quan tâm, không chơi với bạn bè cùng trang lứa; thường xuyên làm những hành vi vô nghĩa, lặp đi lặp lại; có sở thích giới hạn và hơi kỳ quặc, rất gắn bó với một món đồ vật mà không thể tách rời; tìm kiếm hay tránh né một cảm giác… Nếu trẻ có các dấu hiệu trên, cần đưa đi khám.

Chẩn đoán trẻ tự kỷ hầu hết dựa trên lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi quá trình phát triển, quan sát trẻ chơi và chơi với trẻ, các xét nghiệm có thể được thực hiện nhằm loại trừ hoặc chẩn đoán các rối loạn khác đi kèm. Theo Thạc sĩ bác sĩ Trần Thiện Thắng, cần dành nhiều thời gian để tư vấn và chỉ cho phụ huynh thấy những khó khăn, thiếu hụt của trẻ. Chỉ khi phụ huynh nhìn nhận những khó khăn này, cùng phối hợp với bác sĩ, giáo viên và những nhà chuyên môn khác thì việc can thiệp mới hiệu quả.

Trong thực tế, có những phụ huynh sẵn sàng hy sinh, nghỉ việc ở nhà để chăm con. Theo Thạc sĩ bác sĩ Trần Thiện Thắng, vai trò của gia đình trong can thiệp là rất lớn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn như trẻ ít hợp tác, phụ huynh chưa có kỹ năng, dễ bị stress khi can thiệp, đôi lúc không kiềm chế, trút cảm xúc lên trẻ. Vì vậy, việc phụ huynh nghỉ hoàn toàn công việc để ở nhà chăm sóc trẻ nên được cân nhắc cẩn thận. 

Các phương pháp hiệu quả chủ yếu vẫn là can thiệp về giáo dục và hành vi cho trẻ nhằm giúp tăng khả năng giao tiếp và hạn chế những hành vi không mong muốn. Thuốc chỉ được sử dụng trong trường hợp trẻ có quá nhiều hành vi hoặc điều trị các rối loạn đi kèm như rối loạn giất ngủ, lo âu, trầm cảm, tăng động giảm chú ý…

Có thể nói, những năm gần đây, giới chuyên môn và các cơ quan chức năng đã quan tâm nhiều hơn tới các rối loạn về tâm lý và hành vi của trẻ. Năm 2019, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã đưa bài “Các rối loạn tâm lý và tâm thần trẻ em” vào giảng dạy cho sinh viên y khoa. TP Cần Thơ cũng đang triển khai đề án xây dựng “Mô hình sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ”, đào tạo hơn 500 giáo viên mầm non ở hơn 300 nhà trẻ trên địa bàn thành phố về nhận biết và phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. 

Hiện tại ở ĐBSCL, phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám và tư vấn ở: Phòng Khám tâm lý và hành vi nhi, BVNĐ TP Cần Thơ (chiều thứ năm hằng tuần); Phòng Khám tâm lý nhi, Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ (chiều thứ tư hằng tuần); hoặc Trung Tâm VT Care (số 68/1 đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ngoài việc thăm khám, đánh giá trẻ, Trung tâm VT Care còn can thiệp cho trẻ tự kỷ và liên kết với các chuyên gia trong và ngoài nước mở các lớp hướng dẫn cho phụ huynh có con bị tự kỷ.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết