04/05/2015 - 14:21

Hiến máu giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật

Tuy y học không ngừng phát triển nhưng đến nay vẫn chưa tìm được phương thuốc thay thế máu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân, chủ yếu đều từ máu người tình nguyện. Ths.Bác sĩ Phạm Văn Nghĩa, Phó trưởng khoa Điều trị, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cung cấp thông tin về những lợi ích khi đi hiến máu.

Kiểm tra bệnh truyền nhiễm miễn phí

Máu có nhiệm vụ chính là bảo vệ cơ thể và vận chuyển các chất cần thiết đến các tế bào và chuyển các chất thải ra khỏi cơ thể. Số lượng máu trung bình trong cơ thể: nam 77 ml/kg cân nặng, nữ 66 ml/kg cân nặng. Như vậy, trung bình một người 55kg có khoảng 4 lít máu. Hiện nay, có 4 nhóm máu chính là: O, A, B, AB. Trong máu có các thành phần chính như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Mỗi thành phần máu có chức năng và thời gian sống nhất định.

Hiến máu tình nguyện (HMTN) đem lại nhiều lợi ích về tinh thần và sức khỏe. Lợi ích tinh thần lớn nhất là người HMTN cứu sống được bệnh nhân, từ đó cảm thấy cuộc sống mình hạnh phúc, ý nghĩa hơn. Ngoài ra, các đoàn thể chính trị, xã hội cũng tổ chức tôn vinh, biểu dương người HMTN vì hành động hiến máu cứu người. Mỗi khi HMTN, người hiến máu được bác sĩ khám sức khỏe, tư vấn về sức khỏe xem có đạt sức khỏe để cho máu hay không? Người hiến máu cũng được xét nghiệm kiểm tra 5 bệnh truyền nhiễm miễn phí gồm: viêm gan B, C, giang mai, sốt rét, HIV. Kết quả xét nghiệm chỉ có ý nghĩa chỉ ra trong máu có vi-rút này hay không chứ chưa khẳng định có bệnh. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người xét nghiệm (kết quả dương tính) đi kiểm tra lại để chẩn đoán xác định ở các bệnh viện. Người hiến máu cũng biết được nhóm máu của mình, biết mình có thuộc nhóm máu hiếm hay không.

Mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra, tư vấn sức khỏe miễn phí.

Mỗi lần hiến máu, người hiến cho máu không quá 10% lượng máu cơ thể. Tùy cân nặng mà người hiến máu có thể hiến từ 250 ml đến 450 ml máu. Hiến máu toàn phần 3 tháng/ lần; hiến tiểu cầu thì 2 tuần/lần. Mỗi ngày, cơ thể tự hủy đi 50 ml máu già cỗi và sản sinh 50 ml máu mới để bù đắp lại. Vì thế, nếu không hiến máu thì máu cũ cũng tự chết đi. Khi hiến máu việc thay đổi tế bào máu già cỗi bằng tế bào máu mới khỏe mạnh, trẻ hơn, sức đề kháng, miễn dịch tốt hơn nên cơ thể cảm thấy khỏe hơn. Ngoài ra, các kích thích tố của một số cơ quan nội tiết, tiết ra để kích thích tạo tế bào máu cũng làm việc chuyển hóa cơ thể tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian giữa hai lần hiến máu phải đảm bảo đúng quy định, hiến máu gần quá, cơ thể bù máu không kịp, ảnh hưởng sức khỏe.

Sau mỗi lần hiến máu, người hiến máu nhận thẻ hiến máu và phần quà bồi dưỡng. Hiến máu cũng là hình thức gởi máu vào ngân hàng máu. Chẳng may khi bị bệnh, tai nạn cần truyền máu, người bệnh xuất trình thẻ hiến máu và sẽ được truyền miễn phí bằng lượng máu đã hiến trên tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc hoàn trả máu này chỉ áp dụng cho người hiến máu, không áp dụng cho người thân.

Giảm nguy cơ mắc bệnh

Hiến máu không có hại mà ngược lại còn có nhiều lợi ích lâu dài với sức khỏe. Hồng cầu chứa nhiều sắt, hồng cầu chết đi, sắt không mất đi mà được tái sử dụng lại. Trong quá trình ăn uống, đặc biệt ăn nhiều thịt, uống nhiều bia, rượu... tích lũy nhiều năm, càng làm ứ nhiều sắt. Tăng nhiều sắt đến một ngưỡng nào đó ảnh hưởng đến gan, tim, các tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến sinh dục... và có thể tử vong do suy tim (ứ sắt). Quá trình hiến máu làm cho mất máu, mất sắt theo, nên ít có nguy cơ tích lũy sắt. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh, nếu người hiến máu hiến đều đặn 2-3 lần/năm thì giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh lý về nội tiết

Một lần người hiến máu có thể cho 250 ml, 350 ml hay 450 ml? Nhiều người cho rằng hiến lượng máu nhiều sẽ mệt? việc này là không đúng. Hiện nay, ở Singapore, gần 100% người hiến máu hiến 450 ml/lần. Khi hiến 250ml, 350 ml hay 450 ml thì chi phí xét nghiệm cũng như nhau nhưng cho 450 ml thì lượng máu truyền cho bệnh nhân tăng gấp đôi. Về mặt miễn dịch, truyền máu từ nhiều người hiến khác nhau thì nguy cơ bất đồng miễn dịch càng cao, bệnh nhân càng nguy hiểm hơn. Vì thế, nếu hiến 450ml/lần thì sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nhân bị bất đồng miễn dịch. Đồng thời, giảm chi phí xét nghiệm, thuận tiện cho điều chế các thành phần máu, giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường truyền máu...

Nhiều người có suy nghĩ sai lầm "hiến máu bị ghiền". Trước đây, có những người đi hiến máu chuyên nghiệp, do cuộc sống khó khăn phải bán máu để sống. Họ cho thường xuyên vì cần tiền chứ không phải vì ghiền cho máu. Cũng có người cho rằng, hiến máu để mập lên. Điều này chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng, có thể sau khi cho máu, người hiến máu nghĩ mình mất máu cần nghỉ ngơi nhiều, ăn nhiều để bù lượng máu đã mất từ đó tăng cân. Thật ra, sau khi hiến máu, người hiến cần uống nhiều nước, ăn nhẹ, không uống rượu, bia trong ngày đầu tiên cho máu, tránh các hoạt động gắng sức trong 24 giờ sau khi hiến máu. Còn sau ngày đầu tiên cho máu, người hiến máu ăn uống và làm việc bình thường. Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh đi hiến máu làm hết mụn, nám, đẹp da; có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng có thể cho máu cũ, máu mới được sản sinh, sức đề kháng, miễn dịch được kích thích, làm cơ thể khỏe mạnh hơn; chưa có bằng chứng rõ ràng cho việc đẹp da.

H.HOA

Chia sẻ bài viết