11/06/2009 - 20:29

Hen phế quản trong thời tiết giao mùa

Bác sĩ HUỲNH VĂN THANH
(Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ)

Thời tiết giao mùa, người bị bệnh hen (còn gọi là suyễn) thường lên cơn hen, ảnh hưởng đến sức khoẻ, công việc, cuộc sống. Hen đang là vấn đề y tế đáng quan tâm, là gánh nặng cho xã hội. Theo GINA (Tổ chức Phòng chống hen toàn cầu), trên thế giới hiện có 300 triệu người mắc bệnh hen và dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên tới 400 triệu người.

Hen là tình trạng co thắt và viêm, đồng thời gây thu hẹp “đường dẫn khí” (phế quản phổi), có thể làm cho người bệnh thở khò khè, co kéo- cò cữ, cảm giác thắt chặt lòng ngực hoặc thở hổn hển. Ở người bệnh hen suyễn, các cơn hen có thể xảy ra với rất ít triệu chứng báo trước. Mức độ trầm trọng thay đổi qua từng giai đoạn. Nhiều người bị bệnh hen- suyễn đã học được cách xoay xở với căn bệnh, như: tự đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh đều đặn, có thông tin và kế hoạch điều trị đúng đắn...

Trẻ mắc bệnh hen phế quản thở khí dung tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: KIM LOAN 

Các tác nhân gây ra cơn hen suyễn bao gồm dị ứng nguyên và các chất gây kích ứng trong môi trường. Có nhiều tác nhân gây hen suyễn có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng hen suyễn, và thường khác nhau ở từng người. Có thể góp phần ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn qua việc xác định và tránh xa các tác nhân gây hen suyễn. Trong thực tế, việc xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn nên là một phần của một kế hoạch chi tiết kiểm soát bệnh hen suyễn.

Có thể không hoàn toàn loại trừ được hết tất cả các tác nhân gây cơn hen suyễn, nhưng người bệnh vẫn nên cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt các tác nhân gây hen suyễn ở nhà và nơi làm việc của mình. Điều này có thể giúp người bệnh tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh hơn với các triệu chứng ít hơn và các cơn hen suyễn ít xảy ra hơn. Một số tác nhân gây hen suyễn: thuốc lá, bụi, thú nuôi trong nhà, nấm mốc trong nhà, khói, mùi nặng, các dạng bụi nước, phấn hoa hoặc nấm mốc ngoài trời, vận động thể lực, thời tiết, một số loại thức ăn, rượu, một số thuốc uống như thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc chữa đau khớp...

Đa số những người bị hen suyễn có một hay nhiều hơn những triệu chứng sau:

+ Khò khè: khi thở ra, thường nghe được tiếng rít.

+ Ho: có thể ho kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn suyễn ban đêm. Ho rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Đặc biệt ở Việt Nam, một số bệnh nhân bị ho do hen suyễn được chẩn đoán nhằm là viêm phế quản, viêm họng hay thậm chí được chẩn đoán là ho lao. Một số bệnh nhân bị hen suyễn chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.

+ Nặng ngực: cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt.

+ Khó thở: thở thấy khó khăn, đặc biệt là thở ra.

Các triệu chứng này có thể xảy ra nếu không điều trị hay điều trị không đúng bệnh hen suyễn , hoặc khi tiếp xúc với chất kích ứng gây ra cơn hen suyễn.

Nên nhớ rằng chỉ có bác sĩ của bạn mới có thể xác định bạn có bị hen suyễn hay không. Điểm cốt yếu của hen suyễn là đường dẫn khí luôn bị viêm dù đang có triệu chứng hen suyễn hay không có triệu chứng hen suyễn. Đó là lý do vì sao phải điều trị hen suyễn mỗi ngày- ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe. Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu hen suyễn không được điều trị, viêm đường hô hấp sẽ làm giảm hoạt động chức năng phổi về lâu về dài và thậm chí làm tổn thương vĩnh viễn. Nếu điều trị không đúng cách, theo thời gian, hen suyễn sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Hen suyễn là bệnh không thể tự điều trị mà phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Với những tiến bộ y học, các thuốc điều trị hen suyễn có thể giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh, năng động, các triệu chứng hen suyễn ít xuất hiện. Cách dự phòng dài hạn là sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày, chẳng hạn như thuốc kháng viêm dạng hít. Các loại thuốc dự phòng có thể giúp giảm thiểu những triệu chứng hen suyễn và giảm thiểu tổn thương đường hô hấp của bệnh nhân.

Nếu bạn là bệnh nhân hoặc bố mẹ của bệnh nhi hen, cần:

+ Hiểu được kế hoạch hành động về hen. Khi có nghi ngờ, thắc mắc, nên trao đổi với bác sĩ.

- Khi vận động, bạn có bị ho hay khó thở không?
- Bạn có nghe thấy tiếng khò khè- cò cữ trong ngực bạn không?
- Bạn có bị ho hay khó thở khi trời rất nóng hay rất lạnh không?
- Bạn có bị ho hay khó thở khi tiếp xúc với vật nuôi, bụi, khói thuốc lá hay các chất kích ứng khác?
- Khi ngủ, bạn có phải thức dậy do khó thở hay ho hay không?
Nếu câu trả lời của bạn phần lớn là “có” thì bạn nên đến phòng khám chuyên khoa để trao đổi cùng bác sĩ.

+ Dùng thuốc đều đặn như bác sĩ đã hướng dẫn; sử dụng đúng thuốc, đúng liều.

+ Loại bỏ các yếu tố gây hen, nhất là khói thuốc lá do nghiện thuốc hay hút thuốc thụ động.

+ Đến khám bác sĩ định kỳ để đánh giá lại hen. Có thể tham gia Câu lạc bộ người hen, các phòng quản lý bệnh nhân hen để được hướng dẫn, chăm sóc và nâng cao các kiến thức về hen. Có thể đến thăm, khám bệnh sớm hơn dự định nếu có triệu chứng không đáp ứng với sự tăng liều thuốc như kế hoạch hành động hen.

+ Lời khuyên đúng đắn nhất về hen là lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa chứ không phải từ bạn bè, thân thuộc hay hàng xóm, bởi tình trạng bệnh của mỗi người khác nhau. Lời khuyên thích hợp với người này không nhất thiết có ích cho người khác.

Chia sẻ bài viết