28/10/2010 - 10:07

Hệ thống hưu trí “thách thức” nhiều nước châu Âu

Hàng triệu người dân Pháp xuống đường biểu tình, đình công nhưng đã không làm quốc hội và chính quyền Pháp “chùn tay” trước dự luật tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62. Theo dự luật này, tuổi bắt đầu nhận được lương hưu toàn phần sẽ tăng từ 65 lên 67, thời gian làm việc và đóng góp vào quỹ lương hưu của người lao động sẽ tăng 1 năm từ 40,5 năm lên 41,5 năm. Chính quyền Nicolas Sarkozy cho rằng nước Pháp đang “đuối sức” để tài trợ cho những người về hưu, vì hiện nay ở Pháp cứ 2 người đi làm nuôi 1 người về hưu (so với lúc trước 4 người đi làm có thể lo cho 1 người về hưu).

Người lao động Hy Lạp phản đối cải cách hệ thống lương hưu. Ảnh: AP 

Theo dự báo thì trong vòng 2 thập niên nữa, ở nước Pháp cứ 1 người đi làm phải lo cho 1 người về hưu. Nguyên nhân gây ra sự “thiếu cân đối” giữa những người đi làm và về hưu ngày càng tăng là do tuổi thọ của người Pháp kéo dài hơn, thời gian hưởng chế độ hưu trí lâu hơn. Tuổi thọ trung bình ở nước này hiện xấp xỉ 80 tuổi. Trong 2 năm qua, thâm hụt ngân sách hưu trí của Pháp tăng gấp 3 lần, lên tới 32 tỉ euro trong năm 2010 và có thể là 45 tỉ euro vào năm 2020. Tổng mức chi ngân sách hưu trí ở Pháp vào thời điểm này chiếm tới 12,4% GDP, so với mức trung bình của châu Âu là 7% GDP. Giới chức Pháp cho biết nếu kế hoạch tăng tuổi hưu được thực thi thì trong vòng 3 năm tới nước này sẽ tiết kiệm được 100 tỉ euro.

Một thống kê năm 2009 cho biết thời gian hưởng lương hưu trung bình của người dân Pháp lên đến 24 năm, so với Đức 19,8 năm, Anh 18,8 năm, Ý 21,7 năm, Tây Ban Nha 20,9 năm. Tuy nhiên, nước Đức cách đây 3 năm đã thông qua quyết định tăng mốc thời gian nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi. Năm 2009, Ý đã nâng ngưỡng về hưu của nữ công nhân viên nhà nước từ 61 lên 65 tuổi. Hàng loạt nước khác cũng đã công bố ý định tương tự, nhưng chưa thực hiện được vì lo ngại làn sóng phản đối của dân chúng. Hy Lạp là một thí dụ điển hình. Tuy vậy, nước này đã bắt đầu kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu công, trong đó có biện pháp cắt giảm lương hưu vốn lâu nay được coi là “rộng rãi” nhất châu Âu. Người ta cho rằng nếu Hy Lạp, nền kinh tế vừa trải qua cơn ác mộng tài chính, cải cách thành công hệ thống hưu trí sẽ tạo đà cho các nước khác làm theo.

Ngân sách hưu trí của Hy Lạp chiếm 11,5% GDP, so với Luxembourg 7,2% GDP, Đan Mạch 5,4% GDP, Hà Lan 5,4% GDP và Iceland khoảng 2% GDP. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hà Lan, Hy Lạp, Đan Mạch, Luxembourg và Iceland mới là 5 nước có hệ thống lương hưu “hào phóng nhất châu Âu” nếu tính theo tỷ lệ thu nhập bình quân trên đầu người. Hiện nay, mỗi năm người hưu trí Hà Lan nhận được khoảng 49.800 USD, người Hy Lạp 28.900 USD, người Đan Mạch 55.700 USD, người Luxembourg 54.800 USD và
Iceland 49.800 USD.

PHÚC GIA AN (Theo BBC, AFP và OECD)

Chia sẻ bài viết