03/12/2013 - 21:03

Hệ miễn dịch và sức khỏe tâm thần ảnh hưởng lẫn nhau

 

Lâu nay chúng ta cho rằng bệnh tâm thần đơn thuần là một triệu chứng bệnh của trí não và không liên quan gì đến tình trạng của toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy hệ miễn dịch trì trệ có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và ngược lại.

Hệ miễn dịch tác động đến sức khỏe tâm thần như thế nào?

Lấy trường hợp một người bị cảm cúm và nằm bẹp trên giường nhiều ngày liền làm ví dụ, các nhà nghiên cứu cho biết thường thì đến ngày thứ hai hoặc thứ ba, bệnh nhân sẽ cảm thấy bải oải tinh thần và không thể làm việc được, ngay cả khi bệnh cảm cúm đã thuyên giảm. Theo các nhà khoa học, việc bệnh nhân cảm thấy bản thân có biểu hiện giống như bị trầm cảm như vậy không phải là ngẫu nhiên.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu về các bệnh tâm thần từ rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt đến trầm cảm cho thấy bệnh về tinh thần và bệnh về thể chất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau hơn chúng ta từng biết. Trong đó, hoạt động của hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng đối với cả hai dạng bệnh. Giáo sư tâm thần học Andrew Miller ở Đại học Emory (Mỹ) cho biết một hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc trì trệ đều tác động tiêu cực đến não bộ, bằng chứng chính là những phát hiện nghiên cứu sau đây:

+ Các bệnh liên quan đến thoái hóa thần kinh như đa xơ cứng, Parkinson (hội chứng liệt rung) và Alzheimer (chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi) đều ảnh hưởng đến cảm xúc.

+ Khoảng 25% số người điều trị tâm thần phân liệt bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi nhập viện.

+ Những bà mẹ mắc các bệnh tự miễn như lupus có nguy cơ sinh con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

+ Những người hay bị viêm nhiễm có nhiều dấu hiệu bị trầm cảm hơn những người có chức năng miễn dịch khỏe mạnh.

Nghiên cứu của các chuyên gia tại Bệnh viện Mount Sinai công bố gần đây tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học thần kinh Mỹ cho thấy những thay đổi ở chức năng miễn dịch (dẫn tới tình trạng dễ mắc bệnh) xuất hiện trước sự thay đổi về cảm xúc. Theo nhà nghiên cứu Georgia Hodes, một trong những suy nghĩ chúng ta nên chấm dứt ngay từ bây giờ là sức khỏe tinh thần chỉ là một dạng rối loạn của não bộ, hay nói cách khác là chúng ta hãy thôi nghĩ rằng não bộ và thân thể là hai thực thể tách rời nhau.

Cải thiện sức khỏe thể chất có giúp chữa khỏi bệnh tâm thần?

Các nhà nghiên cứu cho rằng đánh giá tình trạng viêm nhiễm có thể giúp các nhà khoa học thần kinh có cái nhìn bao quát hơn khi tìm hiểu nguyên nhân và liệu pháp chữa bệnh khả thi đối với tình trạng rối loạn cảm xúc và các bệnh về tâm thần, như bệnh tự kỷ.

Chẳng hạn ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt bị nhiễm trùng đường tiết niệu, những triệu chứng loạn thần cấp tính thường giảm đáng kể sau vài ngày dùng kháng sinh, theo Phó giáo sư tâm thần học Brian Miller ở Đại học Georgia Regents, người đang nghiên cứu mối quan hệ giữa hai căn bệnh nói trên. Các nghiên cứu khác cho thấy hàm lượng prôtêin gây viêm nhiễm interleukin-6 có thể giúp dự đoán tình trạng cảm xúc của một người. Nhà khoa học thần kinh Larry Swanson thuộc Địa học Nam California cho biết trước đó, các thí nghiệm trên chuột đã chứng minh việc kiểm soát hàm lượng prôtêin này làm thay đổi hành vi liên quan đến chứng trầm cảm và lo âu.

Nhằm giúp mọi người kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, từ đó bảo vệ tốt sức khỏe tâm thần, các chuyên gia đề nghị mọi người nên kiểm soát mức độ căng thẳng tinh thần (stress), bởi viêm nhiễm có thể gây stress và stress có thể kích thích viêm nhiễm (cả hai đều có hại cho cơ thể và não bộ); ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi đêm); tập thể dục thường xuyên và duy trì thể trọng khỏe mạnh (mỡ thừa có thể dẫn đến viêm nhiễm).

Mặc dù vẫn đang nghiên cứu sự tương tác lẫn nhau giữa sức khỏe tâm thần với sức khỏe của hệ miễn dịch nhưng các nhà khoa học tin tưởng việc nhắm vào hệ miễn dịch có thể là con đường tốt nhất để trị các chứng bệnh tâm thần ở một số bệnh nhân. Nhưng họ cũng lưu ý điều đó không có nghĩa mọi bệnh tâm thần đều được chữa khỏi thông qua điều trị các bệnh về thể chất, mà nó chỉ là phương pháp thay thế dành cho những bệnh nhân tâm thần không đáp ứng với các liệu pháp chữa bệnh lâu nay nhắm vào não bộ.

HẠNH NHÂN
(Theo USD Today, legalexaminer.com)

 

Chia sẻ bài viết