|
Ông Musharraf rời phủ tổng thống sau khi từ chức. Ảnh: Reuters |
Quyết định từ chức của Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf hôm 18-8 không những để lại khoảng trống quyền lực gây nguy cơ bất ổn cho Pakistan, mà còn đe dọa cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động từ sau sự kiện 11-9- 2001.
Từng được xem là “đồng minh trung tâm” và nhận hơn 10 tỉ USD viện trợ từ Mỹ cho cuộc chiến chống khủng bố, nhưng sau tuyên bố từ chức, ông Musharraf lại không được Washington đoái hoài, thậm chí chẳng đề cập tới chuyện cấp quy chế tị nạn. Theo “nghị quyết hòa giải” giữa Giám đốc Cơ quan tình báo Arabie Séoudite Muqrin Abdul Aziz, các nhà ngoại giao Mỹ-Anh với liên minh cầm quyền ở Pakistan hồi tuần rồi, ông Musharraf sẽ được đảm bảo an toàn cho cuộc sống cá nhân, miễn truy tố và được đối xử như một cựu tổng thống. Tuy nhiên, đối với chính khách có nhiều kẻ thù như ông Musharraf, ra nước ngoài vẫn an toàn hơn. Theo một số nguồn tin, ông Musharraf dự kiến sẽ hành hương tới Arabie Séoudite, sau đó sống lưu vong ở Anh.
Liên minh cầm quyền giữa đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cố Thủ tướng Benazir Bhutto và Liên đoàn Hồi giáo-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif sẽ chọn tổng thống mới trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, vốn có nhiều bất đồng và suýt tan rã sau khi PML-N rút các thành viên khỏi chính phủ liên hiệp hồi tháng 5, cả hai đảng này đều muốn người của mình làm nguyên thủ quốc gia. Asif Ali Zardari, phu quân bà Bhutto và hiện là đồng Chủ tịch PPP, cho biết Shaban Mirani, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời bà Bhutto, hoặc là chị ông, bà Faryal Talpu, một nghị sĩ Quốc hội, sẽ là tổng thống kế tiếp của Pakistan. Trong khi đó, ông Sharif muốn đề bạt một nhân vật phi chính trị hoặc từ ngành tư pháp.
Tuy nhiên, dù ai làm tổng thống đi nữa thì cũng không thể có “quan hệ đặc biệt” với Mỹ như ông Musharraf. Nhà Trắng cũng lo ngại người thay thế Tổng thống Musharraf sẽ không đủ “uy” với quân đội và không quyết liệt trong cuộc chiến chống lại các lực lượng nổi dậy. Và như vậy, Washington sẽ phải cần đến sự ủng hộ của nhiều thế lực khác nhau ở Pakistan cho cuộc chiến chống khủng bố, phức tạp hơn nhiều so với thời ông Musharraf. Trong đó, quân đội sẽ giữ vai trò quan trọng. Tổng Tư lệnh quân đội Ashfaq Parvez Kayani, nhân vật do ông Musharraf bổ nhiệm, đến nay vẫn im lặng trước những biến động chính trị gần đây, nhưng những động thái của liên minh cầm quyền đều phải xem xét thái độ của ông. Từ khi làm Tổng Tư lệnh đến nay, ông Kayani luôn chủ trương giữ vai trò trung lập. Ông cũng xây dựng quan hệ tốt với Mỹ. Do đó, các nhà phân tích cho rằng ông Kayani là người mà Mỹ cần hợp tác nhất vào thời hậu Musharraf. Thực tế là Washington đang ra sức o bế nhân vật này.
N.MINH (Theo Newsweek, CSM, NYT)