19/08/2019 - 09:35

Hào hùng giai điệu “Mười Chín Tháng Tám” 

“Mười Chín Tháng Tám, ánh sáng tự do đưa tới. Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng...”. Mỗi năm cứ đến những ngày tháng Tám lịch sử, giai điệu hào hùng của ca khúc “Mười Chín Tháng Tám” lại vang lên, làm trào dâng bao niềm tự hào trong mỗi trái tim người Việt Nam.

Một chương trình nghệ thuật kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Cần Thơ.

Một chương trình nghệ thuật kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Cần Thơ.

Đảng lãnh đạo quân và dân khởi nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám thành công giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 19-8-1945, nhân dân Hà Nội và nhiều vùng lân cận xuống đường với cờ đỏ sao vàng trên tay. Mọi ngã đường Hà Nội dường như chật kín, mọi người cùng đổ về Nhà hát lớn Hà Nội. Trong dòng người ấy, có nhạc sĩ Xuân Oanh.

Trong tâm thức chàng nhạc sĩ 22 tuổi khi ấy bật lên những ca từ và giai điệu đẹp. Ông vội lấy mẩu giấy nhỏ để ký âm và ghi lại. Vậy là ca khúc “Mười Chín Tháng Tám” ra đời. Có lần nhạc sĩ Xuân Oanh kể lại, ca khúc là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, của phong trào đấu tranh nhân dân và chính cảm xúc của muôn triệu trái tim người dân chứ không chỉ của riêng ông. “Những câu hát như “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày…” tôi vừa tham gia xuống đường vừa nghĩ cả phần lời và nhạc, không biết từ đâu đến cứ bật ra một cách kỳ lạ”, nhạc sĩ Xuân Oanh nhớ lại.

Còn nhớ cách đây 14 năm, dịp nước ta kỷ niệm 60 năm Cách Mạng Tháng Tám thành công (1945-2005), nhạc sĩ Xuân Oanh lúc đó đã 82 tuổi, còn kể lại về việc đặt tên ca khúc. Bài hát vừa hoàn thành là được hát ngay, có người hỏi tên bài hát thì ông lúng túng vì chưa kịp đặt. Trong đầu ông chỉ văng vẳng mấy từ “Mười Chín Tháng Tám” nên đã trả lời y như vậy. Vậy là một đứa con tinh thần của nhạc sĩ Xuân Oanh đã được khai sinh trong những ngày lịch sử thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay sau đó, bài hát “Mười Chín Tháng Tám” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát sóng liên tục, khiến người dân cả nước lâng lâng tự hào.

Đây là ca khúc dễ hát, dễ thuộc với giai điệu hành khúc nhịp tiến, đậm chất nhạc hào hùng, có hai đoạn đơn khúc chiết. Ca từ thì giản dị, gần gũi và nói lên được tâm trạng của cả dân tộc Việt Nam: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai”.

Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) quê Quảng Ninh. Thuở còn trẻ ông làm rất nhiều nghề từ thợ đúc, thợ mỏ, dạy học đến vẽ tranh, nhạc công phòng trà... Ông rất giỏi ngoại ngữ, thông thạo tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Ông cũng đã góp phần quảng bá văn học - nghệ thuật Việt Nam ra thế giới khi dịch thơ Hồ Xuân Hương, kịch Lưu Quang Vũ, tiểu thuyết Hữu Mai… sang tiếng nước ngoài. Ngoài ca khúc “Mười Chín Tháng Tám” bất hủ, nhạc sĩ Xuân Oanh còn có nhiều ca khúc để đời khác như “Quê hương anh bộ đội”, “Hà Nội ở Lâm Đồng”, “Về lại Sài Gòn”… Nhạc sĩ vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Nhạc sĩ người Cần Thơ với mùa thu lịch sử

Nhạc sĩ quê Ô Môn, Cần Thơ Lưu Hữu Phước cũng có nhiều ca khúc ghi dấu ấn trong những ngày thu lịch sử 1945. Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong sự kiện 19-8-1945, ca khúc “Lên đàng” (1944) và “Tiếng gọi thanh niên” (1941) của ông được nhiều người hát vang. Đặc biệt, có một ca khúc hay nhưng ít người biết là “Tám mươi năm” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lời Huỳnh Văn Tiểng) được viết ngay trong thời điểm này. Theo cuốn “Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - sự nghiệp âm nhạc” (NXB Trẻ, 1998), ngày 25-8-1945, tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, một nhóm 3 người vừa đi vừa hát ca khúc này và đã lôi cuốn hàng trăm người đi giành chính quyền.

 

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết