21/06/2019 - 14:02

Hạnh phúc từ chiếc xe kem 

Xe kem của bà Tư giờ đã có “thương hiệu” ở chợ Phong Ðiền.  Ông Tư thì vẫn vậy, ba mươi mấy năm cặm cụi trong bếp nhà làm kem cho vợ bán. Họ xây tổ ấm, vun trồng hạnh phúc từ những điều bình thường như thế. Bà con lối xóm nói vui, gia đình ông Tư là “gia đình nhỏ, hạnh phúc to”.

Gia đình ông Tư vui vầy bên nhau.

Gia đình mà chúng tôi kể đến là của ông Nguyễn Văn Hùng Em (tức Tư Beo) và bà Lê Thị Hồng, ngụ ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền. Chiều cuối tuần tới thăm, chúng tôi thấy ông bà Tư loay hoay sau bếp. Bà Tư thì nướng bánh kẹp quặn để làm vỏ đựng kem bán. Ông Tư thì hì hục nạo dừa, đánh bột kem… Hai vợ chồng vừa làm vừa nói chuyện xóm làng, chuyện con cái, vui vẻ nên không thấy mệt. Chúng tôi ngạc nhiên với đôi tay người đàn ông đã 56 tuổi vẫn nhanh nhẹn và thạo việc trong từng công đoạn làm kem, ông Tư cười hiền: "Làm riết thành quen, nghề này theo tôi ba mươi mấy năm rồi". Vậy rồi ông bà Tư Beo kể cho chúng tôi nghe về gia đình nhỏ, từ thuở ông bà mới cưới nhau.

Ra riêng, ông bà Tư được cha mẹ cho 1,8 công đất vườn. Vườn tạp lại đất thấp, bất trắc đường nước tưới tiêu nên huê lợi không được bao nhiêu. Ông Tư lấy nghề làm kem đã biết từ hồi thanh niên làm kế mưu sinh. Chàng thanh niên lục đục trong bếp, người vợ trẻ ngày ngày đẩy xe kem đi bán, nhưng điều đó không khiến họ mặc cảm. Vợ chồng son lại càng khó khăn hơn khi cô con gái lớn Nguyễn Thị Ngọc Ngân chào đời vào năm 1991. Ông Tư làm kem xong lại chạy xe ôm, làm thuê kiếm thêm; còn bà Tư vừa chăm con, vừa bán kem lại chăn nuôi, nướng bánh… "Vất vả lắm nhưng mừng vì vợ chồng đồng lòng vượt khó. Hai vợ chồng cứ thủ thỉ nhau hoài, mình nghèo nên phải ráng, vì mình rồi vì con nữa"- ông Tư nhớ lại.

Ba mươi mấy năm làm kem để bán, bây giờ vợ chồng ông Tư đã cất được căn nhà rộng rãi, khang trang với đầy đủ tiện nghi. Vợ chồng ông Tư đưa cho chúng tôi xem bức hình chụp ngôi nhà cũ với nhiều hoài niệm. Bà Tư nói rằng, nhìn tấm hình lại nhớ lúc mới ra riêng, cực quá. Vậy nên ông bà Tư muốn gìn giữ khoảnh khắc ấy để tự nhắc nhau và nhắc hai con gái rằng, họ đã từng trải qua một thời gian khó như vậy.

Nói về chuyện gầy dựng hạnh phúc gia đình, ông Tư mở đầu bằng câu "Chén trong chạn còn khua". Vợ chồng ai lại không từng cắn đắn, bất hòa với nhau, nhất là trong cảnh khó nghèo. Nhưng điều quan trọng là vợ chồng phải biết nhẫn nhịn và lắng nghe nhau. Điều tranh cãi, phân trần là để tìm ra cách giải quyết tốt nhất chứ không phải ai thắng, ai thua. Ông Tư trần tình: "Vợ chồng mà, hơn thua thì được gì, cốt là cái nghĩa với nhau". Như công việc trong nhà, hễ rảnh tay là ông Tư lại phụ vợ nấu cơm, quét nhà, ngược lại bà Tư cũng vậy. Họ quấn quít nhau bằng tình nghĩa trăm năm.

Niềm vui của ông bà Tư Beo bây giờ còn là ở hai cô con gái ngoan ngoãn, lễ phép. Cô con gái lớn Nguyễn Thị Ngọc Ngân giờ là phóng viên trẻ của một đài truyền hình địa phương. Cứ cuối tuần là Ngân lại về với mái ấm. Ngân nói rằng, trên đời mỗi người có một công việc riêng và nghề nghiệp riêng. Với chị, chị tự hào, rất tự hào, về nghề làm kem của cha, về xe kem của mẹ. Chiếc xe kem ấy đã nuôi nấng một mái ấm hạnh phúc, nâng bước cho chị vào đời. "Từ nhỏ tới lớp 12, dù trường học khá gần nhà nhưng cha đều đưa rước tôi. Với cha, chị em tôi lúc nào cũng là những đứa trẻ. Cha dạy tôi từ những điều nhỏ nhất từ cách cư xử, lối sống đến đối nhân xử thế"- chị Ngân kể. Cô con gái út của ông bà Tư là Nguyễn Lê Bảo Ngọc năm sau sẽ lên lớp 6, cũng rất chăm ngoan, học giỏi. Nói về cách dạy con, ông Tư nhẹ nhàng: "Vợ chồng tôi không ép con điều gì, chỉ hướng các con đến điều tốt đẹp. Cái quan trọng nhất là cha mẹ phải làm gương".

Gia đình ông Tư Beo là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Vợ chồng ông cũng là tấm gương vượt khó được nhiều người học hỏi. Hạnh phúc từ chiếc xe kem của gia đình ông Tư Beo thật ngọt ngào và ấm áp.

Bài, ảnh: Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết