06/01/2011 - 21:20

HÀNG BÌNH ỔN GIÁ
phát huy tác dụng

Một “Điểm bán hàng bình ổn giá” của Công ty Lương thực Sông Hậu tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

TP Cần Thơ tạm ứng ngân sách 30 tỉ đồng cho 5 doanh nghiệp tổ chức 35 điểm “Bán hàng bình ổn giá”. Sau gần một tháng triển khai, sức mua của người tiêu dùng tại điểm nêu trên đang tăng dần… Trước xu thế giá cả hàng hóa ngày càng tăng như hiện nay, nhiều người tiêu dùng kiến nghị: TP Cần Thơ cần nhân rộng và tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá, không chỉ dịp Tết Nguyên đán 2011.

SỨC MUA TĂNG

Sau gần một tháng triển khai thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá trên địa bàn TP Cần Thơ, theo nhiều chủ cửa hàng: Hiện sức mua của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, đường, sữa, bột ngọt, mì gói... đã và đang tăng dần. Đặc biệt, mặt hàng gạo tăng 20- 40%, đường cát tăng 5- 10% so với tháng trước khi treo bảng “Điểm bán hàng bình ổn giá”. Chị Nguyễn Thị Kiều Trang, chủ Đại lý lương thực thực phẩm Ánh Ngọc (Khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng), cho biết: Từ khi có treo bảng “Điểm bán hàng bình ổn giá”, người tiêu dùng đến mua hàng nhiều hơn và tin cậy với các mặt hàng bán tại cửa hàng. Các mặt hàng được niêm yết giá cụ thể, đảm bảo thấp hơn so với các điểm bán lẻ ngoài chợ. Điển hình như: Gạo thông dụng 15% giá 9.500 đồng/kg, dầu ăn Tường An (Cooking Oil) giá 35.000 đồng/lít, bột ngọt Ajinomoto giá 52.500 đồng/kg, đường cát Sóc Trăng giá 21.500 đồng/kg. Các mức giá này thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 1.000- 2.000 đồng/sản phẩm. Từ đó thu hút người tiêu dùng và chắc chắn sức mua tại các “Điểm bán hàng bình ổn giá” sẽ tăng mạnh khi Tết Nguyên đán gần kề.

Theo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP Cần Thơ, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực cung ứng nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như cam kết, góp phần bình ổn thị trường và nhất là tạo tâm lý cho người dân an tâm mua sắm trước, trong và sau Tết.

CẦN THÔNG TIN NHIỀU HƠN

Sở Công Thương chủ động, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nắm chắc diễn biến giá cả thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt việc thu mua sản xuất, chế biến và dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng như: lương thực, thực phẩm (thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghệ), xăng dầu, gas, phân bón phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết… không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, tăng giá đột biến trước, trong và sau Tết; mở rộng mạng lưới, tăng điểm bán hàng, tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá,…

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND quận, huyện có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi: buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng để tăng giá trái pháp luật và việc chấp hành các qui định về đăng ký kê khai giá, và bán theo giá niêm yết,…

(Trích Chỉ thị số 16/CT-UBND, ngày 22-12-2010 của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011)

Dù được triển khai gần một tháng nay, song các cửa hàng bán hàng bình ổn giá chưa “hút” được nhiều người tiêu dùng tìm đến (dù các cửa hàng đã treo biển thông báo). Chị Lý Thị Cẩm Lệ, thợ may, công việc bận rộn suốt ngày nên chị rất ít xem ti-vi hay đọc báo. Vì thế, chị không rõ lắm về các điểm bán hàng bình ổn giá. Dù ở gần cửa hàng Đại Khánh, đường Trần Việt Châu, nhưng chị vẫn không biết đây là “Điểm bán hàng bình ổn giá”. “Tôi chỉ biết cửa hàng này bán gạo ngon và giá cả phải chăng hơn so với ngoài chợ nên tôi mua” - chị Lệ nói. Cô Nguyễn Thanh Huyền, đường Trần Ngọc Quế, phường Xuân Khánh thường mua gạo ở cửa hàng Đại Khánh, đường Trần Ngọc Quế, vì: “Nơi đây bán gạo giá thấp hơn ngoài chợ khoảng 1.000- 1.500 đồng/kg. Cô đến đây mua hàng chỉ vì thói quen chứ chưa nghe thông tin về chủ trương bán hàng bình ổn giá ở TP Cần Thơ”.

Theo lý giải của ngành chức năng, năm nay là năm đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức 35 điểm bán hàng bình ổn giá. Số lượng này rất ít so với nhu cầu của người dân nên nhiều người tiêu dùng chưa biết hoặc chưa quan tâm đến vấn đề này. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến địa chỉ các điểm bán hàng bình ổn giá để nhiều người biết và đến mua sắm.

Theo nhiều người dân, bán hàng bình ổn giá là một chủ trương thiết thực. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi xu thế giá cả thị trường ngày càng tăng, để người dân, nhất là những người có thu nhập thấp... được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm có giá cả phải chăng, độ tin cậy cao là rất có ý nghĩa. Anh Ngô Minh Đôn, nhà ở đường Cao Bá Quát, phường An Lạc, đề nghị: Ngành hữu quan cần quan tâm, tổ chức nhiều điểm bán hàng bình ổn giá hơn nữa trên phạm vi toàn thành phố. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng cần xem xét tổ chức bán hàng bình ổn giá không chỉ dừng lại ở dịp Tết Nguyên đán này!

Bài, ảnh: MỸ HOA

Một “Điểm bán hàng bình ổn giᔠcủa Công ty Lương thực Sông Hậu tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

Chia sẻ bài viết