05/10/2021 - 08:54

Hàn Quốc nỗ lực tìm kiếm cơ hội thống nhất liên Triều 

Sáng 4-10, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã khôi phục đường dây liên lạc trực tiếp, làm dấy lên hy vọng nối lại đối thoại liên Triều bị đình trệ trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa gặp bế tắc.

Binh sĩ hai miền Triều Tiên tại khu phi quân sự.

Trong tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc coi đây là nền tảng để đưa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trở lại đúng hướng, thúc đẩy các cuộc đối thoại về cách thức thực hiện những thỏa thuận hợp tác trước đó, tiến tới ổn định và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ðây cũng là một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với cam kết hiện thực hóa triển vọng thống nhất hai nửa bán đảo Triều Tiên thành quốc gia duy nhất.

Tuy nhiên, theo Giáo sư quan hệ quốc tế Ahn Yinhay tại Ðại học Hàn Quốc, thời gian cho Tổng thống Moon không còn nhiều khi nhiệm kỳ của ông chỉ 7 tháng nữa sẽ kết thúc. Với dự báo có thể không hoàn thành tất cả kế hoạch đề ra, Nhà Xanh hiện vẫn nỗ lực tìm kiếm chính sách hỗ trợ mục tiêu tiến triển đúng hướng, bao gồm chuyến công du tới châu Âu của Bộ trưởng Thống nhất Lee In-young.

Hàn Quốc nghĩ tới mô hình thống nhất kiểu Ðức

Trong chặng dừng chân ở Ðức, Bộ trưởng Lee theo lời mời đã tham dự buổi lễ đánh dấu 31 năm quốc gia Tây Âu tái thống nhất đất nước (3/10/1990-3/10/2021). Trước đó, ông có bài giảng về quan hệ liên Triều tại Ðại học Tự do ở Berlin và gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier ngày 4-10 để thảo luận về kinh nghiệm của Ðức trước và sau khi thống nhất, cũng như sự tương đồng tiềm năng trên bán đảo Triều Tiên.

Dù có tín hiệu lạc quan giữa Seoul và Bình Nhưỡng gần đây, chuyên gia quan hệ quốc tế Leif-Eric Easley đánh giá việc thống nhất hai miền vẫn là “triển vọng dài hạn”. Ông cũng xác định Hàn Quốc về bản chất khó có thể theo đuổi mô hình của Ðức bởi tình hình bán đảo Triều Tiên phức tạp hơn nhiều.

So với nước Ðức, giới phân tích cho rằng thời gian chia cắt giữa hai miền Triều Tiên dài hơn và trong nhiều thập kỷ, các hành vi đe dọa, khiêu khích quân sự giữa hai bên cũng như chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng làm hố ngăn cách hai miền ngày càng lớn. Ðặc biệt, việc Triều Tiên coi mình là chế độ hợp pháp duy nhất và chủ trương bất kỳ cuộc thống nhất nào trong tương lai đều phải được hoàn thành dưới sự chỉ đạo và các điều khoản của họ khiến mâu thuẫn hai miền trở nên khó giải quyết.

Ngoài ra, cách biệt về đời sống xã hội - kinh tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay khiến viễn cảnh thống nhất trở nên ít hấp dẫn đối với đại đa số trong khoảng 52 triệu cư dân Hàn Quốc. Theo một báo cáo hàng năm của Ðại học Quốc gia Seoul, tỷ lệ người Hàn ủng hộ thống nhất đất nước đã giảm từ năm 2007. Kết quả thăm dò dư luận do Hội đồng Tư vấn Thống nhất của Hàn Quốc còn cho thấy, đa phần người dân chú trọng vấn đề giải trừ hạt nhân, sau đó là giảm căng thẳng quân sự trong khi rất ít người nhắc tới hay ưu tiên chương trình thống nhất.

Bên cạnh khác biệt giữa hai miền Triều Tiên, quyền lực của Trung Quốc cũng là yếu tố phức tạp tác động đến tiến trình thống nhất. Bởi so với ảnh hưởng của Nga đối với Ðông Ðức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và giai đoạn sau đó, chuyên gia Easley đánh giá Bắc Kinh ngày nay có tiếng nói hơn trong việc đảm bảo lợi ích của họ không bị bỏ qua khi tiến trình hòa bình được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên.

MAI QUYÊN (Theo DW, AP)

Chia sẻ bài viết