27/09/2022 - 06:55

Hàn Quốc khủng hoảng kim chi 

Nguồn cung kim chi - một món ăn truyền thống của Hàn Quốc - được dự báo sẽ trở nên khan hiếm trong thời gian tới, do thời tiết khắc nghiệt làm sụt giảm đáng kể sản lượng cải thảo và ảnh hưởng đến nhiều nông dân.

Ông Roh Sung-sang bên mảnh đất trồng cải thảo của mình. Ảnh: WP

Ông Roh Sung-sang bên mảnh đất trồng cải thảo của mình. Ảnh: WP

Trên mảnh đất rộng hơn 20 héc-ta gần dãy núi Taebeak thuộc tỉnh Gangwon, hơn nửa triệu cây cải thảo của ông Roh Sung-sang đã bị héo úa và biến dạng sau thời gian chống chọi với nắng nóng và mưa nhiều trong suốt mùa hè. Vùng núi cao với khí hậu mát mẻ này từng là trung tâm sản xuất cải thảo, thành phần chính làm nên món kim chi. Thế nhưng năm nay, tổng sản lượng cải thảo ở khu vực Taebaek nhìn chung chỉ bằng 2/3 so với mọi năm - theo ước tính của chính quyền địa phương. Điều này đang góp phần tạo ra một cuộc khủng hoảng kim chi.

Theo ước tính, giá cải thảo tại Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua và tăng 41% chỉ trong tháng rồi, lên khoảng 3.300 won (tương đương 2,32USD)/kg, trong khi giá củ cải trắng - một nguyên liệu làm kim chi phổ biến khác - cũng đã tăng hơn 146% trong năm qua, lên hơn 2.800 won/kg. Dù có mức giá cao như vậy, song những nông dân như ông Roh vẫn thua lỗ do chi phí trồng trọt tăng cao trong khi sản lượng thì giảm sút. 

Tình trạng khan hiếm cải thảo không chỉ ảnh hưởng đến “kim chi nhà làm”, mà còn cả kim chi sản xuất quy mô thương mại. Các nhà sản xuất kim chi lớn của Hàn Quốc như Daesang hay CheilJedang đã tăng giá bán từ 10-11% và dự kiến sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Kim chi cải thảo, mặt hàng phổ biến nhất của Daesang, đã hết hàng trên trang mua sắm trực tuyến của công ty này trong suốt một tháng qua. Nhiều người tiêu dùng thậm chí xem món kim chi làm sẵn là “geumchi” - kim chi đắt như vàng.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do “thời tiết bất lợi” ở vùng cao nguyên Gangwon, đồng thời cam kết sẽ thực hiện “mọi biện pháp”, gồm cả nhập khẩu, để ổn định giá cả thị trường. Song, việc nhập khẩu kim chi - chủ yếu từ Trung Quốc - được xem là vấn đề nhạy cảm. Lý do là kim chi cùng một số mặt hàng khác được tìm thấy ở cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc gần đây đã trở thành chủ đề tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ, thậm chí “leo thang” thành cuộc chiến tranh giành quyền lực mềm giữa Seoul và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu. Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc, suốt 5 mùa hè qua ở Taebaek, có khoảng 20 ngày nhiệt độ lên đến 330C - mức nhiệt cao chưa từng có hồi những năm 1990. Ngoài ra, người trồng cải thảo còn phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên, gồm mưa lớn và bão. “Nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, thì khoảng những năm 2090, sản lượng cải thảo ở vùng cao nguyên Hàn Quốc này sẽ giảm 99%, tức là nông dân không còn gì để thu hoạch” - Kim Myung-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Hàn Quốc, bày tỏ lo ngại.

Chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc hồi tháng 8 đã tăng 5,7% so với năm ngoái, sau khi tăng 6,3%, mức cao nhất 24 năm qua, vào tháng 7. Không riêng gì kim chi, giá một số thực phẩm phổ biến tại nước này đã tăng hơn 8% so với năm 2021 trong 2 tháng liên tiếp vừa qua. Chẳng hạn, giá gà rán trong tháng 7 đã tăng 11,4%, giá món cơm cuộn rong biển tăng 11,5%, lần đầu vượt mức 3.000 won, trong khi một tô mì tương đen hiện có giá trung bình 6.300 won, tăng 15,3% so với năm ngoái.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết