30/03/2011 - 08:29

Hai mặt của sự can thiệp

Đánh giá về những biến động trong thế giới A-rập thời gian qua, Mai Yamani - thông tín viên và là giảng viên về chính trị xã hội ở Arabie Séoudite và Trung Đông, cho rằng làn sóng biểu tình lật đổ hay những cuộc tuần hành chống chính quyền ở Tunisie, Ai Cập, Bahrein, Libye, Yemen, Oman, Jordanie, Arabie Séoudite và Syrie, cuối cùng cũng dẫn tới kết quả là một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, các nước có ảnh hưởng bên ngoài, từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tới Liên đoàn A-rập (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đều xem xét diễn biến tình hình ở những nước đó với nhiều hình thức và mức độ can thiệp khác nhau.

Mạng tin Nhật báo Star của Liban ngày 29-3 đăng bài viết của Yamani nói rằng, cho đến đầu tháng 3 này, sự can thiệp chủ yếu diễn ra theo hình thức “quyền lực mềm”, với việc đài truyền hình Al-Jazeera của Qatar và các trang mạng xã hội có vai trò đáng kể trong việc kích động biểu tình ở Tunisie và Ai Cập. Những tuyên bố của các nước bên ngoài khu vực, vốn ủng hộ chính quyền hiện tại hoặc có mối quan hệ với quân đội nước đó, góp phần chi phối sự thay đổi ở các nước. Tương tự, những cam kết viện trợ của các nước bên ngoài, hoặc ngược lại đe dọa trừng phạt, cũng đã có tác động đáng kể tới các phong trào bản xứ.

Tuy nhiên, khi những cuộc biểu tình của dân chúng mở rộng từ nước này tới nước khác khắp thế giới A-rập theo nhiều hình thức khác nhau, chiến lược “quyền lực mềm” ban đầu được các cường quốc sử dụng vì lợi ích và ảnh hưởng ở khu vực đã dần chuyển sang chiến lược “quyền lực cứng”, tức can thiệp quân sự.

Điều này có thể thấy rõ trong các chính sách đối ngoại mà các cường quốc vận dụng vào tình hình ở Libye và Bahrein. Ban đầu, những gì xảy ra ở hai nước này là biểu tình hòa bình chống chính quyền hiện tại, nhưng sau đó dẫn tới những phản ứng trái ngược. Mặc dù cả hai nước đều có thể chế chuyên chế, nhưng tại Libye, can thiệp quân sự bên ngoài được tiến hành nhằm ủng hộ lực lượng nổi dậy, trong khi quân đội nước ngoài hiện diện tại Bahrein là để hỗ trợ chính quyền hiện tại.

Mỹ và đồng minh lấy cái cớ là “vì nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, quyết định “bảo vệ dân thường Libye” mà liên quân dựa vào để không kích quốc gia Bắc Phi, khiến dư luận quốc tế đặt vấn đề vì sao không thấy sự can thiệp “nhân đạo” như vậy ở Dải Gaza năm 2008 (khi Israel oanh kích khu vực của người Palestine).

Sự thật thô thiển dần lộ rõ qua các cuộc biểu tình ở các nước A-rập: quyền của người dân chỉ là thứ yếu so lợi ích của những thế lực cường quyền.

N. KIỆT (Theo Daily Star)

Chia sẻ bài viết